Chỉ số VN-Index đang ở trên 1.120 điểm, tiệm cận với mức đỉnh cao nhất của thị trường chứng khoán (TTCK) của năm 2007 là 1.179,32 điểm. Trải qua 11 năm, TTCK của 2 thời điểm đã có quá nhiều thay đổi, giá trị vốn hóa tăng gấp hàng trăm lần. Nhà đầu tư ở 2 thời điểm cũng có nhiều điểm khác nhau cơ bản.
Tăng trưởng hay thụt lùi?
Tháng 3-2007, VN-Index có lúc đạt đỉnh cao là 1.179,39 điểm. Ở thời điểm đó, thị trường có tổng cộng chỉ hơn 80 mã chứng khoán niêm yết, với vốn hóa chưa được 500.000 tỉ đồng. Thời điểm đó, P/E (hệ số giá trên thu nhập) bình quân có khi đến 70 lần, nhiều cổ phiếu cao hơn đến 100 lần mệnh giá (kể cả thị trường tự do OTC). Trong khi đó, hiện tại, số lượng doanh nghiệp (DN) niêm yết đã tăng hơn 7 lần với con số lên 739 mã của cả hai sàn. Chưa kể, trên sàn UpCom có hơn 620 mã đã giao dịch. Giá trị vốn hóa thị trường tính đến cuối năm 2017 đã lên 3.360.000 tỉ đồng, chiếm trên 70% GDP.
Xét về góc độ hấp dẫn so với TTCK các nước Mỹ, Nhật thì có thể nói chúng ta đã thụt lùi. Cụ thể, khi Mỹ lập đỉnh cùng thời điểm 2007 thì chỉ số Dow Jones khoảng 14.000 điểm, sau đó xuống đáy 6.500 điểm nhưng hiện tại đã có lúc tiến sát 27.000 điểm vào tháng 1-2018, tức tăng hơn 4 lần so với đáy của nó và tăng gần gấp đôi so với đỉnh năm 2007. Trong khi đó, TTCK Việt Nam sau 11 năm vẫn chưa bằng mức đỉnh cũ. Những thị trường chưa vượt đỉnh như Việt Nam trên thế giới chỉ chiếm số lượng nhỏ.
Bên cạnh đó, nội tại TTCK trong những năm gần đây có rất nhiều cổ phiếu tăng bất thường không cần lý do. Ngoài ra, còn lãnh đạo một vài DN niêm yết vừa thông báo đăng ký mua vào nhưng rồi lại bán ra, sau đó đổ lỗi do "lỗi đánh máy". Điều này thường chỉ gặp ở Việt Nam chứ hiếm khi tồn tại trên thế giới. Cổ phiếu đầu cơ trên bất kỳ thị trường nào đều có nhưng thường chỉ chiếm số lượng nhỏ nhưng ít khi mang tính phổ biến như ở ta.
Chưa kể, câu chuyện nâng hạng thị trường nói mãi nhiều năm nhưng vẫn chưa đạt được. Một trong những lý do kém hấp dẫn của TTCK Việt Nam, đó chính là tỉ lệ tài khoản chứng khoán trên số dân hiện nay còn quá thấp. Đến hết tháng 1-2018, số lượng tài khoản mở ra chưa được 2 triệu, tức chưa đủ 2% dân số. Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trần Văn Dũng, số lượng tài khoản có giao dịch thật sự chưa được 10% trong số gần 2 triệu này. Đây là điều bất ngờ cho giới đầu tư. Bởi nó cho thấy đầu tư chứng khoán không bao giờ là dễ dàng. Và thực tế nhiều người mở 3-4 tài khoản nhưng giao dịch chỉ 1 hoặc không giao dịch hoặc đơn giản họ bị thua lỗ phải rút lui nhưng không "rảnh" đi đóng tài khoản đó lại.
Bên cạnh đó, dù nhà nước, các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực nhưng luật pháp liên quan đến TTCK vẫn còn nhiều kẽ hở, chưa thể bao quát hết các ngóc ngách của thị trường để nhiều kẻ cơ hội lách luật. Các biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe khi các lãnh đạo DN bán "chui" cổ phiếu thu lời khủng nhưng mức phạt chỉ mang tính chất "giơ cao đánh khẽ". Có những cổ phiếu tăng giá bất thường mà nội lực tài chính hay các hoạt động thực thụ lại không đáng tăng như vậy. Kém minh bạch cũng là một trong những lý do hạn chế việc nâng hạng của TTCK Việt Nam.
Thị trường chứng khoán quay lại đỉnh cao năm 2007 nhưng chuyên gia cho rằng độ hấp dẫn vẫn không bằng 11 năm trước Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Hiệu ứng đám đông" vẫn còn
Nếu như thời điểm 2007 TTCK Việt Nam cứ VN-Index lên thì cả thị trường lên, ai mua cũng có lãi, bất chấp cổ phiếu đó của DN tốt hay xấu, lời hay lỗ. Nhưng hiện nay có hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" bởi nhiều phiên VN-Index tăng nhưng mã giảm luôn chiếm số lượng áp đảo. Nhiều nhà đầu tư vẫn lỗ "te tua" dù VN-Index chạy từ mức 800 lên 1.100 điểm. Cụ thể, VN-Index 2017 đã tăng 48% so với 2016 nhưng có khoảng 1/5 số lượng mã trên sàn có giá thấp hơn 2016. Chưa kể nhiều mã thậm chí tính ra có lãi nhưng chỉ số biến động trong năm lớn và nhà đầu tư vẫn lỗ, nhất là những người dùng margin (vay ký quỹ) bị thua ở vùng giá cao, kể cả các cổ phiếu hàng blue-chips như: HBC, CTD, HSG, BMP, CSM, HAG… cũng làm nhà đầu tư thua lỗ nặng. Hay điển hình như mã SAB (Sabeco), dù nhà nước bán ra cho nhà đầu tư nước ngoài được giá định hơn 320.000 đồng/cổ phiếu nhưng từ đó đến nay, cổ phiếu đã giảm giá liên tục, khiến nhà đầu tư ôm cổ phiếu này thua lỗ nặng nề.
Xét về dòng tiền, có thể nói dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài thời điểm 2006-2007 đổ mạnh vào thị trường, một lượng tiền đồng cũng tung ra để hấp thu số ngoại tệ này. Chưa kể thời điểm này, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng đạt mức kỷ lục (quý I/2008 lên đến 63%) và một phần không nhỏ lượng tiền này đã được "bơm" vào chứng khoán, bất động sản. Cũng thời điểm này, giới đầu tư trên TTCK không chỉ là các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, nhà đầu tư chuyên nghiệp mà ngay cả các ngân hàng, công ty kinh doanh bình thường cũng dốc hết tiền vào. Đặc biệt, rất nhiều người dân không hề hiểu biết gì về chứng khoán cũng đổ tiền vào. Thắng đó rồi thua đó. Nhiều nhà đầu tư đã đi từ đỉnh cao trăm tỉ rơi xuống nợ nần chồng chất.
Nhưng thời điểm này có sự khác biệt khi giới đầu tư đã có nhiều nơi để tiếp thu kiến thức từ trường học đến kinh nghiệm của các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhiều người đã biết thận trọng hơn và có chiến lược rõ ràng hơn. Dù vậy số lượng người thua lỗ cũng không phải là nhỏ, đặc biệt khi "hiệu ứng đám đông" ở những thời điểm cao trào rất dễ bị hút vào mà từ ngữ thị trường gọi là "lùa cừu". Ngoài ra, thời điểm hiện tại việc sử dụng margin là rất phổ biến hơn 10 năm trước nên tỉ lệ tăng giảm dù có thua nhưng tỉ lệ thua lỗ một chín một mười.
Bình luận (0)