Cuối tuần, gia đình anh Nguyễn Đình (ngụ quận Phú Nhuận) đưa 2 con đi Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1) chơi với dự định sẽ ghé cửa hàng McDonald’s cạnh đó mua gà rán cho các con ăn trưa nhưng tiệm đã đóng, bảng hiệu bị gỡ bỏ.
Không riêng gia đình anh Đình, nhiều người đến khu trung tâm quận 1 vui chơi sau thời gian dài ở nhà phòng dịch cũng rất ngạc nhiên khi thấy thương hiệu gà rán này rút khỏi "vị trí vàng" bởi trước dịch, nơi đây luôn nườm nượp khách.
Dè dặt mở lại
Trường hợp trên không phải là cá biệt khi nhiều quán "hot" của các chuỗi F&B đình đám như The Coffee House Signature đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3), cà phê Trung Nguyên (ngã tư Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng, quận 1)… phải trả mặt bằng.
Những quán đang mở cửa lại cũng trong tình trạng đìu hiu. Sáng 24-10, khảo sát khu vực vòng xoay dưới chân cầu Trần Khánh Dư (phía quận Phú Nhuận), nơi hội tụ các thương hiệu Cộng cà phê, The Coffee House, Highlands Coffee... cũng buồn hiu, rất ít khách ghé mua mang về, trái với cảnh tấp nập trước dịch.
Chủ một thương hiệu cà phê mới mở ở các mặt bằng "vàng" cho biết đang phải gánh thiệt hại nặng nề bởi dịch khi phải đóng cửa hay chỉ được bán mang đi. "Đành rằng chống dịch rất khó khăn nhưng việc không công bố lộ trình đủ dài cho việc đóng cửa lẫn mở cửa khiến chủ các chuỗi không biết xoay xở ra sao. Năm nay mảng F&B coi như mất trắng" - chủ thương hiệu này chua chát.
Bà Đoàn Thị Anh Thư, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Vua Cua (hệ thống Vua Cua), cho biết đã mở cửa một số cửa hàng vào tháng 10 nhưng doanh số còn thấp, chưa bằng trước dịch.
"Lý do là hiện vẫn chưa cho phục vụ khách tại chỗ, thị trường chưa hồi phục. Vua Cua dự định mở lại đồng loạt các cửa hàng từ tháng 11 và mở mới 15 xe cua đặt trong khu thủy hải sản của 2 hệ thống siêu thị lớn và 5 cửa hàng Vua Cua bike mô hình nhượng quyền. Dù mặt bằng trống nhiều nhưng chúng tôi chưa có kế hoạch mở nhà hàng mới từ giờ đến cuối năm 2022" - bà Thư nói.
Ngành F&B thay đổi nhiều sau thời gian giãn cách xã hội. Trong ảnh: Các thương hiệu cà phê đình đám ở vị trí đắc địa vẫn đìu hiu Ảnh: NGỌC ÁNH
Thay đổi lớn
Nhận định về thị trường F&B sau thời gian giãn cách, bà chủ Vua Cua cho rằng thị trường sẽ giảm rất nhiều. Tuy nhiên, số lượng mô hình và cửa hàng F&B thay chủ hoặc đóng cửa cũng là cơ hội cho các mô hình vượt qua dịch thành công nếu hiểu được hành vi và nhu cầu mới của khách hàng sau đợt giãn cách.
"Ngay từ lúc mở Vua Cua năm 2016, tôi may mắn nhận ra ưu thế của chuỗi F&B là chi phí đầu tư thấp. Với các hệ thống đầu tư lớn, đặc biệt là chi phí mặt bằng, sẽ gặp rủi ro lớn ở các tháng thấp điểm. Vì vậy, mô hình kiểu này sẽ còn chiếm lợi thế lâu dài trong nhiều năm tới" - bà Đoàn Thị Anh Thư nhận định.
Còn ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia (chủ hệ thống siêu thị hải sản Hoàng Gia kèm nhà hàng chế biến cho khách mang về), cho biết ngay trước cao điểm giãn cách, hệ thống mở thêm một cửa hàng tại một vị trí cực đẹp ở quận 2.
"So với khách thuê cũ, giá chúng tôi thuê thấp hơn khoảng 30%. Mặt bằng đẹp vẫn quan trọng nhưng giá phải giảm về mức hợp lý. Nếu các chủ nhà vẫn giữ giá thuê cao, chúng tôi sẽ ngưng kế hoạch mở thêm điểm bán mới mà tập trung đầu tư cho kênh online để thúc đẩy doanh số" - ông Trường nêu quan điểm.
Ông Trần Khải Minh Nhật - chuyên gia đào tạo, tư vấn và phát triển dự án ngành F&B - cho rằng các doanh nghiệp ngành F&B hiện tại phải thay đổi, không còn giữ "ánh hào quang" cũ.
"Không thể bám víu vào đó vì như thế là tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Sau trận đại dịch này, tất cả hoạt động F&B phải dựa trên công nghệ, "chạm" trên nền tảng công nghệ để đến với khách hàng chứ không phải là vị trí đẹp, đắc địa. Nếu trước đây, chi phí mặt bằng chiếm 50%-80% tổng chi phí cho một nhà hàng, quán ăn hay cà phê, khiến các doanh nghiệp không dám đầu tư cho chi phí nâng cấp dịch vụ, phục vụ… thì tới đây, chi phí mặt bằng chỉ nên còn 20%-30%, phần chi phí dịch vụ, công nghệ phải gia tăng" - ông Nhật phân tích.
Theo ông, các bạn trẻ khởi nghiệp ngành F&B sẽ có lợi thế hơn rất nhiều trong giai đoạn tới do lợi thế về ứng dụng công nghệ, hiểu khách hàng và đáp ứng nhanh nhu cầu của khách, xóa bỏ nhiều rào cản hơn thế hệ trước. Tuy nhiên, những start-up này chưa có kinh nghiệm, vì vậy để có chiến lược khôn ngoan, họ cần phải có kiến thức chuyên môn từ các nhà kinh doanh đi trước để cộng hưởng lợi ích.
Liên tục thay đổi kế hoạch, mục tiêu vì dịch
Tương tự những ngành nghề khác, những diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay đã gây thiệt hại không nhỏ và làm đình trệ, thậm chí là xáo trộn mọi kế hoạch phát triển của doanh nghiệp lĩnh vực F&B.
Chẳng hạn, Tập đoàn Kido đã phải trì hoãn kế hoạch ra mắt chuỗi Chuk Chuk, thay đổi các mục tiêu phát triển, cập nhật và bổ sung các loại hình kinh doanh mới để phù hợp nhu cầu của thị trường, thay vì phát triển mở rộng mô hình cửa hàng, ki-ốt và xe đẩy tại TP HCM trong tháng 6 và 7 như dự định.
Ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido, tự tin Chuk Chuk là một trong những chuỗi F&B đầu tiên khởi động tại TP HCM. Tập đoàn này đã tận dụng thời gian giãn cách xã hội để nghiên cứu cho ra những sản phẩm mới độc đáo, nhằm tạo sự khác biệt so với các doanh nghiệp F&B hiện nay.
Kết quả là những sản phẩm "độc", lạ như nước xoài xanh muối ớt, hồng trà ổi xá lị... đang được khách hàng trẻ hưởng ứng tích cực. Bao bì, chất lượng sản phẩm, dịch vụ giao hàng cũng được nâng cấp sau mấy tháng giãn cách xã hội, bảo đảm quá trình ra mắt sản phẩm lẫn thương hiệu đạt kết quả cao nhất.
Để thích ứng với tình hình mới, Kido đã triển khai mô hình kinh doanh online đối với Chuk Chuk trên các nền tảng kể từ ngày 24-9. Hiện thương hiệu này đang khẩn trương chuẩn bị để cho ra mắt 10 cửa hàng signature nhằm phục vụ nhu cầu "offline" của thực khách, nỗ lực chinh phục 100 điểm bán trên địa bàn TP cho đến hết tháng 12-2021 để tạo đà tiếp cận các TP và khu vực trọng điểm khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang... vào năm 2022.
P.An
Bình luận (0)