Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo về công tác kiểm toán năm 2020 gửi Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV tới đây.
Theo cơ quan kiểm toán, trong 9 tháng đầu năm 2020, cơ quan này đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.
Năm vụ việc gồm: (1) Chuyển hồ sơ đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C03) của Bộ Công an về hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kho vận PTL; (2) Hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; (3) Chuyển hồ sơ cho Công an TP Đà Nẵng vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng 2.375m2 đất tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, của Doanh nghiệp Đa Phước để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; (4) Gửi hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Phước để điều tra hành vi, vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH MTV Cao Su Bảo Long; (5) Hành vi, vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơnCông ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước.
Bên cạnh đó, KTNN cũng đã cung cấp 97 bộ tài liệu gồm báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát.
Cụ thể, cơ quan kiểm toán đã cung cấp cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương 37 tài liệu; Văn phòng Quốc hội và Đại biểu Quốc hội 31 tài liệu; Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an 19 tài liệu; Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an 2 tài liệu; Công an TP Đà Nẵng 1 tài liệu; Ủy ban Kinh tế (Quốc hội) 2 tài liệu; Tỉnh ủy Nghệ An 1 tài liệu; Văn phòng Chính phủ 1 tài liệu; Thanh tra Chính phủ 1 tài liệu; Tỉnh ủy Đắk Lắk 1 tài liệu; UBND TP Hải Phòng 1 tài liệu.
Tổng KTNN tiếp tục duy trì việc gửi thông báo kết quả và kiến nghị kiểm toán chủ yếu đến người đứng đầu đơn vị được kiểm toán và các cơ quan liên quan để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kiến nghị và tăng cường phối hợp công tác.
Đối với Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu, Báo Người Lao Động đã đăng tải nhiều bài viết liên quan đến lô nhôm trị giá 4,3 tỉ USD của doanh nghiệp nhập từ Trung Quốc, có dấu hiệu gian lận xuất xứ. Theo cơ quan hải quan, nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, trong khi nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%.
Sau đó, ngành hải quan đã phối hợp với các cơ quan chức khác, đặc biệt có cả lực lượng hải quan Mỹ, cùng phối hợp xác minh, làm rõ.
Bình luận (0)