Ngày 18-2, tại TP HCM, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM tổ chức buổi giao lưu ra mắt bộ sách "Ăn để sướng hay ăn để sợ?" của chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành.
Ông Vũ Thế Thành có chuyên môn về hóa học và quản lý chất lượng, thường xuyên viết bài về lĩnh vực an toàn thực phẩm bằng ngôn ngữ đời thường, không nặng học thuật, hướng đến đối tượng độc giả là các bà nội trợ và dân văn phòng.
Chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành tại buổi giao lưu giới thiệu sách ngày 18-2
Tại buổi giao lưu, ông Vũ Thế Thành cho biết hiện nay, một số mối nguy mất an toàn thực phẩm đã bị thổi phồng mà ẩn đằng sau là để kinh doanh một loại thực phẩm khác để thay thế.
Một số loại còn được marketing thành siêu thực phẩm có chức năng này chức năng kia khiến người tiêu dùng mua mà không cần nhìn giá nhưng thực tế không phải vậy. Ví dụ, hạt chia nhập khẩu từ Nam Mỹ được quảng cáo với hàng loạt lợi ích tuyệt vời và bán với giá rất cao trong khi thành phần tương tự như hạt é bình dân của Việt Nam.
Chưa kể, thành phần chất xơ giúp nhuận tràng, kiểm soát đường máu, hạ mỡ máu thì hạt é còn cao hơn hạt chia (theo bảng phân tích 1 muỗng hạt é có 7g chất xơ trong khi hạt chia chỉ có 5g).
Hay như yến mạch, một sản phẩm nhập khẩu được khen ngợi rất nhiều nhưng thực tế là cũng tương tự như gạo lứt Việt Nam với những thành phần dinh dưỡng đến từ lớp vỏ cám và chất xơ.
"Tôi biết tin đã có doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu được hạt é nhưng sản lượng còn rất nhỏ. Biết đâu đấy, ở Mỹ, hạt é Việt Nam được marketing là loại hạt "thần thánh" từ miền quê của Đông Nam Á – chả thua kém gì hạt chia. Trong khi hạt é của Việt Nam trồng hoang, giờ rất khó kiếm. Sao chúng ta không mang về trồng và thương mại hóa nó?" – chuyên gia Vũ Thế Thành so sánh.
Cũng theo chuyên gia này, chất bảo quản trong thực phẩm nếu dùng đúng liều lượng thì không đáng lo cho sức khỏe người sử dụng. Có những mối nguy rõ ràng, được Tổ chức y tế thế giới (WHO) cảnh báo nhiều lần như: hàm lượng đường và muối thì lại ít được quan tâm.
"Ví dụ, món nhiều muối như mắm chúng ta cần ăn ít lại để giảm tiêu thụ muối thì người ta lại cho thêm đường, bột ngọt để đánh lừa vị giác. Rốt cuộc chúng ta vừa ăn nhiều muối lại vừa nhiều đường. Chúng ta thường cảnh giác với những món có đường rõ ràng như chè hay bánh kẹo mà mất cảnh giác với các loại giò, chả,… có hàm lượng đường không ít" – chuyên gia Vũ Thế Thành chia sẻ.
Bình luận (0)