Chạy dọc theo tuyến lộ Cà Mau – U Minh hơn 10 km, đến địa phận ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (Cà Mau) chỉ cần hỏi nhà ông Ba Liêm thì từ người già đến trẻ nhỏ ai cùng đều biết đến.
Con đường đến khu vườn của ông Ba Liêm
Bén duyên với mảnh đất đầy phèn và cỏ dại
Theo chỉ dẫn, chúng tôi len lỏi trên con đường bê tông nhỏ ra khu vườn để gặp ông Ba Liêm cùng nhân công đang hì hục chiết từng cây chuối phủ xanh trên khoản đất trống. Thấy khách đến, ông Ba Liêm lau vội giọt mồ hôi trên trán và nói "cháu đợi tí vì bác lỡ tay trồng mấy buội chuối".
Clip: Khu vườn của ông Trần Thanh Liêm
Ngồi dưới bóng râm cây ăn trái trong khu vườn mát mẻ, ông Ba Liêm cho chúng tôi biết tên thật là Trần Thanh Liêm (70 tuổi) - người đã từng trải qua các chức vụ như Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau. Năm 2011, sau khi nghỉ hưu, ông cùng với vợ hợp đồng thuê 7 ha đất rừng để làm kinh tế.
Nguyên Bí thư Tỉnh đoàn chẳng thua gì một lão nông trong việc làm vườn
Trong thời điểm này, đất nơi đây rất phèn nặng cùng cỏ dại nhiều, chiếm gần hết diện tích đất thuê, nếu làm ra thì năng suất sẽ đạt không cao. "Tôi và bà nhà mất hơn 1 năm làm quần quật để cải tạo lại mảnh đất này, rồi thuê xe cơ giới đào kênh, lên liếp và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới mà bấy lâu tôi tìm tòi học hỏi trên báo, đài. Thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài", vợ chồng tôi trồng chuối xen lẫn rau màu kết hợp thêm nuôi cá và các loại gia súc, gia cầm để có thêm thu nhập. Nhờ đó mà bước đầu mảnh vườn nhà đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể.
Đàn cá được "vỗ béo" vào mỗi buổi sáng.
Năm 2012, ông Liêm tiếp tục trồng hơn 2.000 cây quýt đường, cam sành trên mảnh đất nhiễm phèn nặng mà vợ chồng ông vừa cải tạo nhưng không hiệu quả do đất nhiễm phèn nhiều. Những tưởng thất bại đó làm ông Liêm nản chí, nhưng với sự chịu thương chịu khó và tinh thần vươn lên làm giàu chính đáng, ông quyết định "tầm sư" học nghề từ các kỹ sư, nhà nghiên cứu cũng như các lão nông có thâm niên ở nhiều địa phương trong cả nước để học tập mô hình làm ăn mới.
Những cây ăn trái trĩu quả trong khu vườn có "đủ thứ" của ông Liêm
Khi trang bị đủ kiến thức và trở thành một lão nông thực thụ, ông Liêm quyết định trồng chuyên canh cây quýt đường và cam sành trên diện tích hơn 4 ha. Qua đó, gia đình ông thu về khoản lợi nhuận gần 1 tỉ đồng/năm.
Những cây quýt quả trong khu vườn
Tuy nhiên, 2 loại cây chủ lực trên cho trái được hơn 4 năm thì năng suất giảm dần do cây già, cỗi…Ông lại chọn hướng đi tiếp tục.
Không lo "được mùa mất giá"
Sau thời gian đắn đo, một lần nữa vợ chồng ông Ba Liêm quyết định loại bỏ lcây chủ lực có trong khu vườn nhằm phát triển theo hướng đa cây, đa con để khai thác tiềm năng du lịch. Từ đó, gia đình ông thu về trên, dưới 500 triệu đồng/năm.
Khu vườn có "đủ thứ" của ông Liêm được bao quanh bởi những hàng dừa lá xanh mơn mởn và sai trái. Bên trong là hàng trăm gốc vú sữa, quýt đường, chôm chôm, bưởi, măng cụt, sầu riêng, dâu cái tàu... Dưới sông, ngoài phát triển nguồn cá đồng trong tự nhiên ông còn giữ khoảng 4 ha rừng tràm của gia đình theo hướng rừng nguyên sinh của U Minh Hạ. Song, để phát triển du lịch theo hướng khai thác nét đẹp hoang sơ của thiên nhiên, ông Ba Liêm lên kế hoạch chu đáo cho từng giai đoạn và điểm tham quan để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.
Khách đến tham quan khu vườn và chụp ảnh lưu niệm
Theo lý giải của ông Liêm, sở dĩ ông bỏ loại cây đem về doanh thu tiền tỉ là do trồng chuyên canh, khi thu hoạch nông sản với số lượng lớn mà thị trường tiêu thụ tại chỗ nên không tránh khỏi chuyện "được mùa mất giá". Dù biết hướng đi mới nguồn lợi nhuận sẽ giảm nhưng ông vẫn quyết định chọn vì sự ổn định và chiến lược dài hơi. Lựa chọn trên không những đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần gìn giữ môi trường và giải quyết việc làm cho nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
Xây nhà nổi trên ao cá và ghế tre để làm điểm thư giãn cho du khách đến tham quan.
Khu du lịch của ông Liêm mở cửa quanh năm để đón du khách tham quan. Tuy nhiên, cao điểm là từ tháng 12 -5 (âm lịch) vì lúc này các loại trái cây trong vườn trĩu quả, chín mọng. Đến đây, du khách thỏa sức trải nghiệm, thưởng thức quả ngọt tận gốc cũng như các món ăn dân dã được chế biến từ các loài cá đồng ở khu vườn mang bóng dáng một U Minh Hạ thu nhỏ.
ông Liêm phấn khởi về thành quả nhãn tím đã cho năng suất cao và du khách đến tham quan
Song song đó, du khách khi có nhu cầu ăn, uống và mua đặc sản về làm quà sẽ được bán với giá bình dân. Hiện, giá vé tham quan tại khu du lịch này từ 20.000 - 50.000 đồng/người. Ngoài ra, để khai thác triệt để những tiềm năng, lợi thế về du lịch, ông Liêm cùng một số người bạn đã thành lập HTX Nông lâm và Dịch vụ du lịch Trang Trại Xanh. Hiện, HTX có 32 hộ tham gia với tổng diện tích khoảng 280 ha, trong đó có 60 ha đất vườn với sự đa dạng trong cây trồng, vật nuôi.
Theo đó, để bảo vệ quyền lợi của du khách, HTX nghiêm cấm hành vi "chặt chém" trong các điểm du lịch. Đồng thời, khuyến khích các tổ viên trong HTX xây dựng thương hiệu nét đặc trưng riêng để du khách có nhiều sự lựa chọn và đầy thích thú.
Bình luận (0)