Theo truyền thống bao đời nay, trong những dịp lễ, Tết, trên bàn thờ của người Việt Nam không thể thiếu lá trầu quả cau, nải chuối để con cháu dâng lên tổ tiên. Trong những năm gần đây, cuộc sống của người dân mọi vùng miền đã được nâng cao nên đồ cúng gia tiên ngày Tết luôn được quan tâm.
Clip thị trường đồ cúng ở chợ đầu mối TP Thanh Hóa
Chính vì lẽ đó, thị trường bán đồ cúng ngày Tết cũng khá nhộn nhịp, đa dạng các mặt hàng để người dân thỏa sức lựa chọn. Trong đó, các mặt hàng bày mâm ngũ quả, cau trầu... được bày bán rất nhiều tại các chợ từ nông thôn cho tới thành thị.
Theo khảo sát tại chợ đầu mối Đông Hương (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) - là chợ lớn nhất tỉnh Thanh Hóa - các mặt hàng đồ cúng ngày Tết tràn ngập. Tuy nhiên, tất cả đều có một điểm chung là giá rất cao, có những mặt hàng giá gấp 3-4 lần ngày thường.
Cau tươi là đồ dùng để cúng gia tiên không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền
Tại một số quầy bán cau tươi, nhiều người "choáng váng" khi giá cau đã tăng lên tới 10.000 đồng/quả, trong khi ngày 23 tháng Chạp, giá cau tươi quả đẹp mới chỉ có giá 5.000 đồng/quả. Lý giải về việc giá cau tăng, nhiều chủ quầy cho biết do thời điểm này cau ít, không đúng thời vụ, giá cả nhập vào lại cao.
"Năm nay dịch bệnh Covid-19 hoành hành, tôi chỉ thấy có mỗi mặt hàng đào, quất, bưởi cảnh là giảm giá, thấp hơn mọi năm chứ các mặt hàng khác vẫn cao ngất ngưởng. Ngày lễ, ngày rằm giá cau trầu chỉ có khoảng 3.000 đồng/quả, thời điểm nào khan khiếm lắm thì 5.000 đồng. Còn cứ gần Tết giá cả lại tăng cao gấp đôi, gấp 3"- chị Thiều Minh (ngụ phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa chia sẻ.
Một buồng cau theo người buôn được nhập với giá từ 1,5 triệu đồng trở lên, vì thế giá bán cũng phải tăng lên
Không chỉ có cau, giá một nải chuối ở chợ đầu mối Đông Hương cũng rất cao gấp 3-4 lần ngày thường. Cụ thể, chuối tiêu nải đẹp, to thường có giá 80-100.000 đồng/nải; loại vừa phải giá 50-60.000 đồng/nải; chuối ngự có giá 40-60.000 đồng/nải. Điều đáng nói là ngày thường, giá một nải chuối to, đẹp cũng chỉ có giá khoảng 25.000 đồng/nải. Khi được hỏi, hầu hết các sạp quầy đều lý giải giá cao do đầu vào cao, giá cả thuê quầy cũng cao...
Ngoài ra, các loại trái cây khác cũng tăng theo Tết như: Quả phật thủ từ 70-150.000 đồng/quả (tùy quả to, đẹp), dừa nhỏ giá 30-50.000 đồng/quả... "Làm quần quật cả năm, ngày Tết cũng mong cho mâm cỗ cúng đủ đầy để ông bà phù hộ, vì thế dù biết đắt đỏ hơn rất nhiều so với ngày thường, thế nhưng chúng tôi cũng chấp nhận, bởi cả năm chỉ có một ngày"- bà Nguyễn Thị Đức (63 tuổi; ngụ phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) chia sẻ.
Mặc dù giá cau đắt nhưng nhiều người mua cũng khá vui vẻ, bởi theo họ người nông dân đã có một năm lao động vất vả, họ cũng mong muốn bán đắt hàng để có cái Tết thêm đủ đầy
Theo nhiều chủ sạp hàng, cau năm nay nhỏ hơn năm trước nhiều do tiết trời khắc nghiệt
Trong khi nhu cầu dùng cau ngày càng nhiều. Ngày trước chủ yếu dùng để thắp hương ngày rằm, mùng một, ngày Tết...
...nhưng ngày nay cau cũng được dùng nhiều cho các lễ hội đầu năm
Chuối dùng để trang trí mâm ngũ quả cũng tăng giá phi mã, cao gấp 2-3 lần ngày thường
Nải chuối ngự này được bán với giá 60.000 đồng
Dừa dùng để bài trí cũng có giá tới 30-50.000 đồng/quả
Quả phật thủ này có giá tới 150.000 đồng
Bưởi đỏ tiến vua cũng có giá từ 75.000-150.000 đồng/quả
Bình luận (0)