Chuyển hướng sang tập trung quảng bá, xúc tiến du lịch ở những thị trường nguồn khách như châu Âu, Mỹ, Úc, New Zealand, Ấn Độ... ngay trong và sau dịch Covid-19; miễn giảm visa; đầu tư sản phẩm du lịch phù hợp… là những giải pháp cấp bách để góp phần vực dậy ngành du lịch.
Vẫn đón nhiều khách "nhà giàu"
Khách Trung Quốc chiếm tới 32,2% tổng lượng khách quốc tế vào Việt Nam. Từ nhiều năm trước, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã cảnh báo về việc một số điểm du lịch của Việt Nam chỉ tập trung vào đón và phục vụ khách Trung Quốc. Đến nay, tác động từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) khiến khách Trung Quốc vắng bóng và những điểm du lịch này đang lao đao. Trong khi đó, ở góc độ khác, ngành du lịch vẫn đón một lượng khách nhất định từ châu Âu, Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Du khách nước ngoài tham quan Tháp Bà (Nha Trang) Ảnh: KỲ NAM
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel (chuyên thị trường khách châu Âu), cho biết khoảng 10% lượng khách đặt tour đã hủy nhưng tình hình chưa quá căng thẳng đối với hoạt động của doanh nghiệp (DN). Sắp tới, ước tính hơn 50 tour khách châu Âu, trong đó khoảng 80% khách từ Pháp vẫn tiếp tục đến Việt Nam. Riêng trong tháng 2-2020, công ty đón trên 1.000 khách từ các thị trường châu Âu.
Hiện nhiều công ty lữ hành vẫn đang đón các đoàn khách quốc tế vào Việt Nam. Trong tháng này, Công ty Lữ hành Fiditour đón khoảng 10 đoàn khách châu Âu, mỗi đoàn từ 30-80 khách. Du khách đặt tour phần lớn đến Việt Nam lần đầu và chọn nhiều điểm đến từ TP HCM, miền Tây Nam Bộ… Công ty du lịch Viking cho hay dù bị ảnh hưởng bởi dịch nhưng công ty vẫn đang phục vụ lượng khách từ Indonesia sang Việt Nam khá đều đặn. Công ty Tân Hồng (chuyên đón khách tàu biển) cũng liên tục đón các du thuyền quốc tế chở cả ngàn du khách chủ yếu từ Mỹ, châu Âu, Úc, Canada… cập cảng biển Việt Nam theo lịch trình đã đặt trước.
Lãnh đạo nhiều DN nhìn nhận bài toán đặt ra với ngành du lịch về chuyển đổi thị trường nguồn khách, giảm phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường là rất cần thiết. Các thị trường khách như Úc, New Zealand, Bắc Mỹ mỗi năm chỉ khoảng vài trăm ngàn khách tới Việt Nam là khá khiêm tốn; khu vực Trung Đông còn dư địa lớn…
Trong các thị trường nguồn khách cần chuyển hướng và tập trung, Ấn Độ đang nổi lên đầy tiềm năng. Mới đây, Vietjet mở 5 đường bay trực tiếp từ Việt Nam tới các điểm đến của Ấn Độ, mở ra cơ hội lớn thúc đẩy ngành du lịch. Các đường bay thẳng sẽ mang du khách Ấn Độ tới những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Năm 2019, khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng 27% so với năm trước. Đại diện Công ty TST tourist cho biết từ khoảng 4 năm trước đã có sự đầu tư cho thị trường Ấn Độ và bước đầu đạt kết quả khả quan, trong năm 2019, khách Ấn Độ tới Việt Nam theo tour của công ty tăng 29%.
Nhiều dư địa thị trường để chuyển đổi
Nhiều chuyên gia du lịch nhìn nhận cơ hội thu hút thêm khách Ấn Độ, nhất là khách chi tiêu cao rất lớn khi trong năm qua, các điểm đến nổi tiếng của du lịch Việt Nam là Phú Quốc, Đà Nẵng… đã tổ chức thành công sự kiện đám cưới cho những tỉ phú Ấn Độ.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, phân tích còn rất nhiều khoảng trống cho du lịch Việt Nam chuyển đổi thị trường nguồn khách đến. Đơn cử như Ấn Độ, với dân số khoảng 1,3 tỉ dân và có đến cả trăm triệu người là triệu phú, đang trở thành thị trường tiềm năng cho bất cứ ngành du lịch nào. Các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan… đã quảng bá, xúc tiến để mời gọi khách Ấn Độ tới du lịch. Với Việt Nam, trước đây có khó khăn là chưa có đường bay thẳng nhưng nay đã có. Quan trọng hơn, các chuyến bay thuê bao nguyên chuyến (charter) có thể giúp công ty lữ hành đón khách Ấn Độ. Dù vậy, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng để chuyển đổi thị trường nguồn khách thành công cần nhiều yếu tố.
"Vừa rồi, đám cưới của tỉ phú Ấn Độ ở Phú Quốc rất thành công, nhưng sau đó là gì, ngành du lịch Việt Nam tận dụng cơ hội quảng bá này ra sao? Muốn đón khách Ấn phải có nhà hàng phục vụ món ăn đặc trưng; có người hiểu biết văn hóa nước này… Không hiểu văn hóa của một thị trường thì không thể khai thác được" - ông Nguyễn Hữu Thọ nói.
Trước mắt, các DN kiến nghị Chính phủ đồng ý miễn visa cho một số thị trường như Úc, Canada, New Zealand…, có thể miễn trong năm nay để xem xu hướng khách đến từ đó có chính sách phù hợp, vực dậy ngành du lịch. Đồng thời, các chính sách quảng bá, xúc tiến tầm quốc gia cũng không thể chậm trễ.
"Ngay từ bây giờ, các DN và ngành du lịch cũng cần phải chuẩn bị. Trong hiện tại, chưa đến tận nơi để xúc tiến thì có thể xây dựng những "văn phòng ảo" của Việt Nam tại các thị trường, cung cấp thông tin liên tục cho đối tác, du khách từ thông tin về dịch bệnh; điểm đến an toàn; chính sách xúc tiến du lịch…" - ông Nguyễn Hữu Thọ đề xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Toản cho rằng trong tầm nhìn lâu dài cho du lịch Việt Nam, bài toán cơ cấu thị trường nguồn khách là rất cần thiết. Đầu tiên là định hướng ở cấp quốc gia về việc ưu tiên thuế, phí cho các đường bay giữa Việt Nam và các thị trường để đem khách tới.
"Không thể nói phát triển khách châu Âu mà chỉ có vài đường bay đi Pháp, Đức, Anh với mức giá còn cao. Chính sách ưu tiên visa cho một số nước châu Âu hiện cũng chỉ 15 ngày, không phù hợp với khách Âu thích ở lâu. Trong lưu trú và dịch vụ cũng cần đào tạo lại nhân viên về phong cách phục vụ cho khách Âu, Mỹ. Chẳng hạn họ thích sự tinh tế và đẳng cấp nhưng vẫn mang màu sắc địa phương; thích cuộc sống ồn ào của địa phương nhưng ăn và nghỉ ngơi thì lại chọn yên tĩnh, nhẹ nhàng" - ông Nguyễn Ngọc Toản dẫn chứng.
Quảng bá liên tục đến khi hết dịch
Trong nhóm các chính sách hỗ trợ của nhà nước về du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, cho rằng ngành du lịch cần kiến nghị Chính phủ áp dụng loạt chính sách như miễn visa và kéo dài thời gian visa lên 30 ngày, cho phép trở lại bất kỳ lúc nào với các nước thuộc châu Âu, Úc, Canada.
Theo Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia, đây là các thị trường có thể là điểm sáng của ngành du lịch lúc này, bởi lượng khách đang ghi nhận mức giảm ít nhất. Từ nay đến khi Việt Nam công bố ngăn chặn hoàn toàn dịch bệnh, Chính phủ cần tăng cường các hoạt động quảng bá ở thị trường đường dài như châu Âu, Úc, Canada... và tiếp tục duy trì hoạt động này sau đó.
Bình luận (0)