Ngày 19-5, Hội đồng Tiêu hủy hàng hóa tang vật vi phạm hành chính do Đội Quản lý thị trường (QLTT) 12B thuộc Chi cục QLTT TP HCM chủ trì đã giám sát quá trình tiêu hủy lô hàng hơn 17 tấn hương liệu hết hạn sử dụng của Công ty TNHH Hương liệu và Hương thơm Hướng Tây (WFF, trụ sở tại quận Tân Bình, địa điểm vi phạm tại quận 12 và Gò Vấp) bị phát hiện và thu giữ trước đó. Trong đó, hơn 15 tấn bị tiêu hủy bắt buộc và hơn 1,6 tấn do chủ hàng chủ động hủy.
Đình chỉ hoạt động 2 tháng rưỡi
Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, Đội trưởng Đội QLTT 12B, WFF còn bị đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm 2 tháng rưỡi và QLTT đã có văn bản gửi chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký kinh doanh để giám sát thực hiện. Về hình thức xử phạt chính, WFF bị phạt 42,5 triệu đồng do sử dụng nguyên liệu quá hạn sử dụng để sản xuất và vi phạm về nhãn hàng hóa, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt đối với hàng hóa nhập khẩu.
Tang vật bị tiêu hủy tại huyện Nhà Bè gồm: 556 bao hương liệu đường dextrose (xuất xứ Mỹ, khối lượng hơn 12,6 tấn); 113 thùng, tương đương hơn 2,8 tấn, hương liệu tổng hợp bán thành phẩm do WFF sản xuất sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng (tiêu hủy bắt buộc) và hơn 1,6 tấn hương liệu các loại do WFF sản xuất hết hạn sử dụng được doanh nghiệp chủ động loại ra và thu gom trong quá trình hoạt động để chờ tiêu hủy (không bị phạt hành chính nhưng khi đi tiêu hủy phải thông báo với cơ quan quản lý để giám sát).
Trước đó, vào ngày 13 và 14-4, Đội QLTT 12B phối hợp với lực lượng công an kiểm tra kho hàng của WFF trên đường Tô Ký (quận 12) đã phát hiện lượng “khủng” hương liệu hết hạn sử dụng (Báo Người Lao Động đã thông tin). Khám tiếp xưởng sản xuất của công ty trên đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), công an tạm giữ thêm nhiều tang vật vi phạm. Đến ngày 26-4, vụ việc được chuyển về cho Đội QLTT 12B xử lý hành chính.
Hết hạn nhưng vẫn dùng được?
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thúy Phương, Giám đốc WFF, cho biết dextrose là chất “độn” trong sản xuất hương liệu và khẳng định lô hàng vẫn bảo đảm chất lượng nhưng chiếu theo quy định của pháp luật hiện hành thì công ty vi phạm nên phải chấp hành tiêu hủy.
Theo bà Phương, vì nguyên liệu được nhập khẩu từ Mỹ, nơi có chuẩn về thực phẩm cao nên nhà sản xuất chỉ cho hạn sử dụng có 1 năm, trong khi nhiều sản phẩm tương tự trên thị trường có thời hạn sử dụng đến 5 năm. Thực tế, thị trường có nhiều sản phẩm tương tự, cùng chất lượng với lô hàng bị tiêu hủy nhưng vẫn được lưu hành hợp pháp do tiêu chuẩn của các nước khác nhau. Ngay cả nhà sản xuất ở Mỹ cũng có văn bản khẳng định nếu sau thời hạn ghi trên bao bì, nếu kiểm tra, chất lượng vẫn đạt thì có thể tiếp tục sử dụng.
“Đây là cách làm mà nhiều nước trên thế giới áp dụng để tránh lãng phí cho xã hội nên Việt Nam cũng nên có lộ trình áp dụng theo thông lệ quốc tế” - bà Phương bày tỏ.
Về vấn đề này, ông Hùng cho biết: “Chúng tôi chỉ xem xét giải tỏa lô hàng trong trường hợp có xác nhận của cơ quan quản lý là chúng còn giá trị sử dụng và có thời hạn cụ thể để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Trước giờ, hầu như chưa có loại thực phẩm nào quá hạn sử dụng được cấp phép sử dụng tiếp”.
Sẽ được xem xét gia hạn
Theo một cán bộ y tế quản lý ngành hàng thực phẩm tại TP HCM, trường hợp này không có cơ quan quản lý nhà nước nào xác nhận cho doanh nghiệp để kinh doanh tiếp mà bắt buộc phải tiêu hủy. Khi nhà sản xuất ghi hạn sử dụng thì sau thời hạn đó, họ sẽ không còn chịu trách nhiệm về chất lượng. Thực tế, cơ quan quản lý nhà nước chỉ xem xét gia hạn các trường hợp mà nhãn ghi “sử dụng tốt nhất trước ngày”, tức là sau thời gian này sản phẩm vẫn còn sử dụng được dù không tốt nhất. Trong trường hợp này, nhà sản xuất chứng minh là hàng hóa có chất lượng giống như ban đầu đã đăng ký và công bố trước khi lưu thông.
Bình luận (0)