Tại cuộc thi World’s Best Rice trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 do The Rice Trader tổ chức tại Manila - Philippines, một dòng lúa thơm thuộc giống ST của Việt Nam lần đầu tiên được gọi tên "Gạo ngon nhất thế giới". Đây là dòng lúa do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm sản xuất gạo chất lượng cao của Sóc Trăng như kỹ sư Nguyễn Thu Hương và TS Trần Tấn Phương lai tạo.
Chất lượng cao, giá thấp
Trước đó, cũng trong cuộc thi này được tổ chức tại Malaysia năm 2015 và tại Macau - Trung Quốc năm 2017, hai giống gạo của Việt Nam từng vào top 3, lần lượt là Lộc Trời 1 (Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời) và ST24. Ngoài ra, trong Hội nghị Thương mại Gạo đại lục lần thứ 5 được tổ chức tại Trung Quốc năm 2018, gạo Lộc Trời 28 đoạt giải nhất ở phân khúc gạo thơm, còn gạo OM 18, cũng của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, đoạt giải nhì ở phân khúc gạo trắng.
Nhiều giống lúa chất lượng cao được quốc tế công nhận nhưng giá gạo Việt xuất khẩu vẫn thấp Ảnh: NGỌC TRINH
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, nhận xét chất lượng gạo của Việt Nam hiện không thua kém bất cứ gạo xuất khẩu của nước nào trên thế giới. Đặc biệt, sau một thời gian dài xuất khẩu chủ yếu sản phẩm gạo có phẩm chất thấp thì hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu phần lớn gạo thơm.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cung cấp số liệu cho thấy sản lượng gạo thơm, gạo trắng hạt dài xuất khẩu hiện đã chiếm khoảng 70% tổng sản lượng gạo bán cho các nước; gạo thường xuất khẩu chỉ hơn 20%.
Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại rất thấp so với các quốc gia xuất khẩu khác. Ông Phạm Thái Bình so sánh gạo ST24 của Việt Nam xuất khẩu có giá cao nhất chỉ 750-800 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan với phẩm chất tương tự lên đến 1.100-1.200 USD/tấn. Thậm chí, gạo Campuchia có chất lượng chỉ tương đương giống ST5 của Việt Nam cũng bán được ra thị trường thế giới với giá đến 600 USD/tấn, còn Việt Nam xuất với giá 550 USD/tấn. "Sở dĩ gạo Thái Lan, Campuchia có giá cao là do họ làm thương hiệu tốt, tạo được niềm tin về chất lượng với khách hàng. Trong khi đó, gạo xuất khẩu của Việt Nam cho dù chất lượng cao nhưng không ai biết nên luôn có giá thấp, dẫn đến dù đã chuyển qua xuất khẩu gạo chất lượng cao nhưng giá trị thu về cũng không thay đổi nhiều so với thời kỳ xuất khẩu gạo thường" - ông Bình nhận định.
Theo ông Nguyễn Đình Bích - nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương mại của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) - giải thưởng gạo ngon nhất thế giới dành cho một giống gạo của Việt Nam là tín hiệu tốt, cho thấy người Việt Nam đã chú trọng sản xuất gạo chất lượng cao. Tuy nhiên, hầu hết giống gạo đoạt giải của Việt Nam đều đang có quy mô sản xuất nhỏ, chưa phổ biến. Phần lớn gạo của Việt Nam vẫn là giống ngắn ngày, chất lượng chưa cao, sử dụng phân bón hóa học "vô tội vạ". Trong khi đó, nhiều loại gạo của Thái Lan, Campuchia là giống dài ngày, sản xuất theo tập quán cũ nên chất lượng cao. "Một phần là do Việt Nam chưa có thương hiệu gạo nào được công nhận là thương hiệu quốc gia nên không được thị trường thế giới đánh giá cao" - ông Nguyễn Đình Bích lý giải thêm.
Thương hiệu quốc gia chỉ là... cái logo!
Cách đây 1 năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chính thức công bố thương hiệu (logo) gạo Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có thương hiệu gạo quốc gia sau nhiều năm tham gia thị trường xuất khẩu thế giới. Tuy nhiên, tại buổi họp báo về Festival Lúa gạo Việt Nam lần 4 tổ chức tại Vĩnh Long mới đây, ông Nguyễn Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vùng 1 thuộc Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), khẳng định cho đến nay vẫn chưa có lô gạo nào của Việt Nam được doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đóng logo thương hiệu gạo Việt trên bao bì. "Sau khi công bố logo thương hiệu gạo Việt, Bộ NN-PTNT đã tiến hành đăng ký thương hiệu qua hệ thống Madrid. Nhưng việc thực hiện không đơn giản, phải có hồ sơ đầy đủ theo tiêu chuẩn của châu Âu và quá trình này đang được Bộ NN-PTNT cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tiến hành. Hiện hồ sơ chưa được thông qua, mới ở bước được cấp mã số nên thời điểm này chưa có lô gạo nào của DN xuất khẩu đóng logo thương hiệu gạo Việt trên bao bì" - ông Dũng cho biết.
Ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời), bình luận: "Nói có thương hiệu cho gạo Việt nhưng đến nay chỉ dừng lại ở công bố logo. Do đó, hiện chỉ có gạo trắng với giá dưới 400 USD/tấn là Việt Nam có thể cạnh tranh được với các nước Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan; còn giá gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng một nửa thế giới".
Trong khi đó, Phó Chủ tịch VFA Nguyễn Trung Kiên cho biết Bộ NN-PTNT cùng các cơ quan liên quan đang làm thủ tục đăng ký thương hiệu gạo Việt Nam trên thế giới, sau khi thương hiệu gạo quốc gia đã được công bố vào năm ngoái. Đây cũng là bước tiến đáng kể để gạo Việt Nam cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Cải cách tổng thể
Theo báo cáo từ Bộ NN-PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu 10 tháng của năm 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn, đạt giá trị 2,43 tỉ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Để gạo Việt Nam xuất khẩu được giá cao, theo ông Phạm Thái Bình, cần phải cải cách khâu sản xuất theo chuỗi liên kết, bên cạnh việc nhanh chóng có được thương hiệu gạo trên thế giới. "Khi có được thương hiệu gạo thế giới, càng cần phải tổ chức sản xuất mang tính ổn định cao, sản lượng lớn với chất lượng đồng đều. Con đường gạo Việt Nam phải tiếp cận người tiêu dùng trên thế giới còn dài, phải làm sao để họ cảm nhận và tin tưởng" - ông Bình nhận định.
Góp ý giải pháp tăng giá trị hạt gạo Việt, ông Dương Văn Chín cho rằng với các giống lúa có giá trị cao của Việt Nam như Lộc Trời 1, Lộc Trời 28, ST24, ST25, nhà nước và các đơn vị liên quan cần phối hợp để nhân giống giúp đạt yêu cầu nhất định về sản lượng. Đồng thời, xây dựng thương hiệu gạo thơm trắng Việt Nam bao gồm các giống có chất lượng cao nêu trên để xuất khẩu được giá, thay vì chỉ quan tâm đến tiêu chí sản lượng xuất khẩu nói chung như trước đây. "Tiêu chí gạo Việt Nam theo quyết định về chứng nhận gạo quốc gia Việt Nam là khá cao. Hiện trên thế giới, ngoài các quốc gia yêu cầu tiêu chuẩn cao như Mỹ, châu Âu thì có nhiều nước yêu cầu thấp hơn như Trung Quốc, Nhật Bản… Việt Nam cần sớm công bố trên toàn cầu về tiêu chuẩn của Việt Nam để thế giới đánh giá gạo Việt Nam an toàn ở mức nào, như thế giá thành mới cao được. Khi có giá thành tốt, bản thân DN cũng sẽ đầu tư vào quy trình sản xuất để bảo đảm được tiêu chí quốc gia" - ông Chín đề xuất.
Ngoài việc nâng cao chất lượng gạo, tìm kiếm và chuyển dịch thị trường cũng là lối ra cho gạo xuất khẩu của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu gạo Việt. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, DN xuất khẩu gạo thời gian gần đây đã chuyển dịch thị trường rất tốt khi tìm kiếm được các mối xuất khẩu tới khu vực châu Mỹ. Tuy nhiên, cần tiếp tục mở rộng thị trường tới khu vực còn bỏ ngỏ như châu Phi, Trung Đông và một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia. Bên cạnh đó, chú trọng tổ chức lại thị trường trong nước, thay đổi về chất lượng, bao bì… để cạnh tranh được với gạo thế giới.
Gạo ST trên thị trường
Ông Lê Minh Quân, chủ cửa hàng gạo MiquaFood (TP HCM), cho biết cửa hàng này chuyên bán các loại gạo của kỹ sư Hồ Quang Cua, được lấy trực tiếp thông qua DN của ông. Trong đó, gạo ST24 có giá 26.000 đồng/kg, ST vuông tôm 30.000 đồng/kg, gạo tím 40.000 đồng/kg, gạo lức đỏ 40.000 đồng/kg, gạo mầm 65.000 đồng/kg, gạo hữu cơ 80.000 đồng/kg. Mỗi tháng cửa hàng tiêu thụ từ 6-10 tấn gạo.
Ngoài ra, các loại gạo của ông Hồ Quang Cua còn được bày bán tại phiên chợ xanh tử tế được tổ chức vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần tại 135A Pasteur, quận 3, TP HCM.
Bình luận (0)