Ngày 8-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (tỉnh Quảng Tây).
Thị trường có nhu cầu lớn
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, từ khi Trung Quốc mở cửa lại kinh tế sau COVID-19 (ngày 8-1), xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này có nhiều khởi sắc. Đặc biệt mới đây, khu vực cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Quảng Tây - Trung Quốc) hoạt động bình thường trở lại đã giúp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong tháng 2-2023 tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Giai đoạn dịch COVID-19, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, một số doanh nghiệp (DN) bị đứt liên lạc với đối tác nên thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai hoạt động nhằm nối lại chuỗi cung ứng giúp đẩy mạnh giao thương" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay cộng đồng DN thủy sản rất coi trọng thị trường Trung Quốc bởi đây là thị trường có nhu cầu lớn.
Năm 2022, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ 2 (chỉ sau Mỹ) về nhập khẩu thủy sản Việt Nam với mức tăng trưởng 63% so với năm trước đó, đạt 1,61 tỉ USD trong khi tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành là 23%.
"Mỗi năm Trung Quốc chi đến 2 tỉ USD để nhập thủy sản tươi sống nhưng Việt Nam chỉ mới cung cấp khoảng 322 triệu USD (chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu) nên cơ hội rất lớn. Các DN 2 bên cần chú ý khai thác ở mảng này" - Phó Chủ tịch VASEP lưu ý.
Về kiến nghị, đại diện VASEP cho hay công tác xét duyệt hồ sơ cho DN xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc còn chậm, với những DN gặp trục trặc quy trình phải quay lại từ đầu. Do đó, đề nghị phía cơ quan thẩm quyền Trung Quốc cải tiến về công nghệ, số hóa để khắc phục tình trạng này.
Doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam rất coi trọng thị trường Trung Quốc bởi đây là thị trường có nhu cầu lớn
Tránh gián đoạn giao thương
Tại diễn đàn, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) thông tin, đối với các mặt hàng thủy sản, Trung Quốc cấp phép DN được phép xuất khẩu và danh mục thủy sản được phép xuất khẩu. Hiện có 805 DN với 128 sản phẩm thủy sản đông lạnh, chế biến và 40 cơ sở đóng gói thủy sản tươi sống với 48 loại sản phẩm tươi sống được Trung Quốc phê duyệt.
Hiện nay, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc thường chậm do Trung Quốc chậm phản hồi. Nhưng ở góc độ chủ quan, các DN Việt Nam chưa kịp thời bố trí nguồn lực để triển khai việc đăng ký theo quy định của Trung Quốc.
Các lỗi sai phổ biến được chỉ ra như: hồ sơ bằng tiếng Việt không kèm bản dịch có công chứng; thông tin của DN (tên, địa chỉ...) trên các giấy tờ không trùng khớp; người ký các giấy tờ trong hồ sơ không phải người đại diện pháp luật ghi trong đăng ký kinh doanh.
"Hiện rất nhiều DN thủy sản phải đăng ký gia hạn với Trung Quốc trước ngày 31-3 và cần khẩn trương thực hiện theo quy định của nước này để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, hạn chế các ách tắc thương mại" - đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông tin.
Ở góc độ DN, ông Trần Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến (Quảng Ninh), cho biết đang gặp vướng mắc khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc dưới dạng cư dân biên giới. Do không thanh toán qua hệ thống ngân hàng nên gặp khó khăn khi báo cáo tài chính với cơ quan thuế.
"Đây là hình thức xuất khẩu truyền thống, chúng tôi mong muốn các bộ có giải pháp xin miễn trừ báo cáo tài chính cho DN" - ông Út kiến nghị.
Đối với hoạt động xuất khẩu chính ngạch, ông Út nói lô hàng bất ngờ bị phân luồng đỏ liên tục khi làm thủ tục hải quan tại sân bay Nội Bài nên cũng gặp khó. Trước đó, từ năm 2020, công ty ông Út đã xuất khẩu hàng tươi sống bằng đường hàng không, giao thương thông suốt, ngay cả cao điểm dịch bệnh.
"Mới đây, chỉ trong 4 ngày, 11 lô hàng tươi sống của chúng tôi bị phân luồng đỏ nên mất thời gian kiểm tra hàng hóa, khiến lô hàng giao bị giảm chất lượng, có 2 lô phải giảm giá 50%. Việc này không chỉ thiệt hại cho DN mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng thủy sản Việt Nam. Đề nghị cơ quan quản lý có chính sách đặc thù cho các DN xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống" - ông Út bày tỏ.
Vướng do xuất khẩu tiểu ngạch
Theo ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam, Trung Quốc là thị trường chính của ngành sắn nhưng xuất khẩu chính ngạch mới chiếm 40%, số còn lại là xuất tiểu ngạch. Năm 2022, ngành sắn Việt Nam xuất khẩu hơn 3,2 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng 1,5 tỉ USD cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách với xuất khẩu biên mậu không ổn định đã gây rủi ro cho DN. Các DN sắn hiện nay bị tồn đọng hàng trăm tỉ đồng tiền hoàn thuế GTGT do rắc rối liên quan đến hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch.
Bình luận (0)