xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cổ phần hóa để chống lợi ích nhóm

TÔ HÀ

Doanh nghiệp nhà nước sau 1 năm cổ phần hóa phải niêm yết trên thị trường chứng khoán để công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm, chống quan hệ thân hữu

Ngày 6-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020.

Lượng giảm, vốn chưa giảm

Theo yêu cầu của Thủ tướng, hội nghị phải làm rõ 2 nhiệm vụ: tìm nguyên nhân vì sao kết quả thoái vốn và cổ phần hóa (CPH) thấp; tìm cho được giải pháp để đẩy mạnh thoái vốn và CPH trong thời gian tới, bảo đảm lợi ích của nhà nước và huy động vốn xã hội tốt nhất.

Báo cáo trước hội nghị, ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, cho biết quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN tiến triển chậm, mới chỉ giảm về số lượng, tỉ lệ vốn nhà nước bán ra khi CPH và sau khi thoái vốn còn thấp, làm hạn chế đáng kể đến kết quả thực hiện các mục tiêu sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN đã đề ra.

Cụ thể đến nay, nhà nước vẫn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 63% số DNNN. Sau IPO, bình quân nhà nước còn nắm giữ 81% vốn điều lệ tại DN, nhà đầu tư bên ngoài chỉ nắm giữ 9,5%, nhà đầu tư chiến lược nắm 7,3%, người lao động và tổ chức Công đoàn giữ 2,2%. Nhìn chung, hiệu quả sản xuất của DNNN thấp so với nguồn lực đang nắm giữ.

Tập đoàn Dệt may cổ phần hóa từ năm 2014 và sẽ chính thức lên sàn UpCom trong tháng 12-2016Ảnh: Tấn Thạnh
Tập đoàn Dệt may cổ phần hóa từ năm 2014 và sẽ chính thức lên sàn UpCom trong tháng 12-2016Ảnh: Tấn Thạnh

Ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết nếu người đứng đầu DNNN không có quyết tâm đổi mới, hội nhập, thiếu tự giác với Chính phủ và đất nước sẽ dẫn đến chậm trễ CPH.

“Làm ông chủ giả của nhà nước vẫn khỏe hơn bỏ tiền mua cổ phần đầu tư. Xài vốn nhà nước nhưng cũng như chủ thật. Áp lực với DNNN chỉ dừng ở bảo toàn vốn, chỉ cần không lỗ, không phá phách là ổn. Nhưng nếu bỏ tiền ra mua cổ phần để làm ông chủ thật thì phải lo cổ tức 10%-15%, lo tiền lương vất vả lắm. Nên ở DNNN không phải tiền của mình vẫn khỏe hơn làm ông chủ thật” - ông Nghị nêu thực tế. Ông ví CPH DNNN hiện nay như cỗ xe có công suất thiết kế 150 km/giờ nhưng chỉ chạy được 50 km/giờ hoặc 60-70 km/giờ. Do đó, cần tạo hành lang pháp lý rộng hơn để tăng tốc.

Muốn được bình đẳng như DN tư nhân

Dưới góc độ người đứng đầu DNNN, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), kiến nghị phải đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN trên tổng thể, không đánh giá đơn lẻ. Đầu tư kinh doanh ít nhiều chịu rủi ro khách quan từ thị trường nhưng hoạt động chung vẫn hiệu quả. Nếu xem xét từng hoạt động và đánh giá lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ hoặc “có vấn đề” sẽ khiến người đứng đầu không dám mạnh dạn đối mặt với rủi ro, chủ động đưa ra các quyết định nắm bắt thời cơ.

Ông Chi cũng đề xuất tạo lập môi trường kinh doanh để DNNN bình đẳng với thành phần kinh tế khác, được nâng cao tính chủ động, được làm những gì pháp luật không cấm chứ không phải chỉ được làm những việc pháp luật cho phép.

Về phía địa phương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết TP có thể thu được 50.000 tỉ đồng từ CPH trong giai đoạn 5 năm tới. Hà Nội đề xuất đối với DN mà nhà nước không nắm giữ vốn thì nên bán hết 100% vì thực tế cho thấy một khi nhà nước còn nắm cổ phần sẽ khiến DN mới khó hoạt động, khó quản lý và TP phải thường xuyên thay đổi nhân sự quản lý ở DN.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng vướng mắc lớn nhất khi CPH là về vấn đề định giá đất đai. Đặc thù của DN thuộc bộ là đều liên quan đến vấn đề đất đai rất nhạy cảm, không chỉ tính phương án bán vốn có lợi nhất rồi lên sàn mà phải đạt mục tiêu ổn định nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân. Bộ sẽ có đề xuất cụ thể về từng trường hợp và cần có hướng dẫn giá trị thương quyền về đất đai.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề xuất được tập trung CPH Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) trước, hoàn thành vào tháng 6-2017 để rút kinh nghiệm rồi mới CPH Vinafood 1.

Còn “chôn” 5 triệu tỉ đồng

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết bộ đang gấp rút trình Chính phủ các dự thảo liên quan đến Nghị định 89 về công bố thông tin và Nghị định 37 sửa đổi về danh mục DN phải thực hiện CPH, làm cơ sở đẩy nhanh tiến trình CPH 5 năm tới.

Điểm mới là dự thảo Nghị định 37 nêu rõ danh mục các DN phải thực hiện CPH để rút ngắn thời gian thực hiện thay vì chỉ nêu chung chung để các DN trình lên Bộ Tài chính, bộ hỏi ý kiến trình Thủ tướng duyệt... quy trình này mất 8-24 tháng. Vừa qua, chỉ có 20% DN thực hiện công bố thông tin, cần có chế tài nghiêm. DN không công bố thông tin sau ngày 31-12-2016 phải “bêu” tên như đối với DN nợ thuế.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ lợi ích cục bộ là rào cản lớn nhất đối với CPH. Giữ DNNN còn vì lý do “Hôm nay tôi có khách ông đãi hộ tôi. Nếu là DN cổ phần rồi còn lâu mới có chuyện đó”. Trong thời gian tới, việc này không thể chậm trễ vì sự phát triển của đất nước, 5 triệu tỉ đồng vốn nhà nước còn nằm “chôn” ở đây trong khi nợ công cao, nhà nước cần tiền để làm việc khác như xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng.

“Đề án tái cơ cấu DNNN xây dựng chậm, duyệt cũng chậm, phối hợp chưa chặt chẽ, chưa kịp thời. Chưa kể tư tưởng của các ông ngồi đó chưa muốn CPH. Đây là nhiệm vụ chính trị, các bộ trưởng cần xem nguyên nhân có phải do các đồng chí không?” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện 3 nhiệm vụ: Tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy CPH để có môi trường cạnh tranh; giảm về quy mô khu vực kinh tế nhà nước, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; tái cơ cấu, giải phóng nguồn lực để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh bộ nào không CPH, làm chậm hoặc thất thoát phải chịu trách nhiệm. Sau 1 năm bán vốn phải niêm yết trên thị trường chứng khoán để công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm, chống quan hệ thân hữu. Để thất thoát tài sản nhà nước là có lỗi với nhân dân.

5 năm không phát sinh thua lỗ “khủng”

Năm 2001, cả nước có khoảng 6.000 DNNN, đến năm 2011 giảm xuống còn 1.369 DNNN và đến tháng 10-2016 giảm mạnh chỉ còn 718 DN. Các lĩnh vực hoạt động của DNNN cũng giảm từ 60 lĩnh vực năm 2001 xuống còn 19 lĩnh vực, đại đa số có quy mô vừa và lớn. Về số lượng, DNNN chiếm tỉ trọng 0,67% nhưng đóng góp tới 28,8% vào GDP. Đáng lưu ý, trong giai đoạn 2011-2015 đã cơ bản không phát sinh các DN kinh doanh thua lỗ lớn, các dự án không hiệu quả, gây hậu quả nghiêm trọng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo