Tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nhà nước cùng với tái cơ cấu đầu tư công, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (NH) thương mại là 3 trọng tâm của Chính phủ trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Theo nghị quyết của Quốc hội và yêu cầu của Chính phủ, trong vòng 2 năm tới, hàng loạt DN nhà nước sẽ phải tiến hành cổ phần hóa (CPH).
Quyết liệt
Ngay từ thông điệp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DN nhà nước, trọng tâm là CPH, kể cả các tập đoàn kinh tế, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, gồm cả DN đang kinh doanh có hiệu quả. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện đề án tái cơ cấu đã được duyệt.
Ngày 6-3, Chính phủ ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh CPH, thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại DN nhà nước. Theo đó, các bộ, UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty căn cứ Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015 đã được duyệt, chỉ đạo các DN xây dựng kế hoạch, tiến độ CPH (gồm cả mốc thời gian cho từng bước công việc), xây dựng kế hoạch, tiến độ thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính… Đến ngày 12-3, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra Chỉ thị 06/CT-TTg về đẩy mạnh tái cơ cấu DN nhà nước với việc đề cao trách nhiệm cá nhân trong quá trình tái cơ cấu, CPH và thoái vốn nhà nước tại DN. Cụ thể, thủ trưởng các bộ - ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng. Các lãnh đạo DN không nghiêm túc thực hiện sẽ bị xử lý nghiêm.
Tại TP HCM, một buổi ký cam kết thực hiện CPH đúng tiến độ giai đoạn 2014-2015 cũng được 29 DN nhà nước tiến hành dưới sự chứng kiến của lãnh đạo UBND TP. Lãnh đạo các DN sẽ bị hạ bậc lương, khiển trách, chuyển công tác hoặc bị cách chức nếu không thực hiện CPH đúng hạn...
Theo quy định, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước căn cứ vào tiêu chí phân loại DN nhà nước và vai trò của đơn vị đối với phát triển của ngành để xác định tỉ lệ cần duy trì nắm giữ vốn nhà nước nhưng tối đa không quá 65% vốn điều lệ. Trong quý I/2014, đã có 25 DN tiến hành IPO (chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng), chủ yếu là các DN trong ngành xây dựng, vận tải…
Nhiều “ông lớn” được mong đợi
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết quá trình CPH các DN nhà nước tiến hành từ năm 1992, đến nay đã CPH được khoảng 4.000 DN, bình quân mỗi năm có 200 DN triển khai xong CPH. Có nhiều thời điểm thuận lợi như khoảng năm 2004-2005, có trên 800 DN tiến hành CPH thành công. Trong 3 năm gần đây, quá trình này diễn ra chậm hơn, mỗi năm bình quân chỉ khoảng 30-50 DN. “Trong 2 năm tới, Chính phủ đưa ra chỉ tiêu 432 DN, như vậy mỗi năm sẽ phải CPH xong 216 DN. Đây là con số khá lớn nhưng tôi cho rằng quá trình này có thuận lợi bởi chưa bao giờ chúng ta có sự đồng thuận lớn từ các cấp như lần này” - ông Ngân nói.
Về phía DN, nhiều đơn vị cũng đang quyết liệt chuẩn bị để CPH. Là DN đã tiến hành CPH mấy năm qua, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cho biết đến nay có đến 60 đơn vị thành viên hoàn thành quá trình CPH. Hiện SATRA chỉ còn tổng công ty (công ty mẹ), Vissan và 2 công ty con là SATRA Tây Nam và SATRA Tiền Giang. Dự kiến đến tháng 9-2014, 2 đơn vị SATRA Tây Nam và SATRA Tiền Giang sẽ hoàn tất việc CPH.
“CPH là cơ hội để DN thay đổi cách thức quản trị với sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược. Do đó, dù công ty mẹ và Vissan theo kế hoạch phải sau năm 2015 mới tiến hành CPH nhưng chúng tôi đang gửi văn bản lên UBND TP HCM và Thủ tướng Chính phủ xin tiến hành CPH sớm ngay cuối năm 2014” - ông Lê Tùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SATRA, cho biết.
Một số ý kiến tỏ ra băn khoăn về quá trình CPH sẽ gặp khó, nhất là trong điều kiện thị trường chứng khoán đang còn nhiều khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, đối với các tập đoàn lớn, tổng công ty lớn trong những ngành đặc thù như hàng không (Vietnam Airlines), viễn thông (Vinaphone, MobiFone)… vẫn được thị trường chờ đợi, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Ông Lê Tùng cũng cho rằng đối tác chiến lược, nhà đầu tư nước ngoài thường nhìn vào tiềm lực DN, hiệu quả hoạt động của DN để góp vốn. “Nếu SATRA và Vissan tiến hành CPH, rất nhiều nhà đầu tư sẽ rót vốn bởi DN đã có thương hiệu hay Vissan chiếm lĩnh thị trường khá lớn trong ngành thực phẩm” - ông Lê Tùng tin tưởng.
Đánh giá tổng thể, TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhận xét nếu 432 DN tiến hành đúng thời gian tái cơ cấu, CPH trong 2 năm tới thì đây sẽ là cuộc đại thoái vốn với quy mô rất lớn. Vấn đề đặt ra là làm sao hấp thụ được dòng vốn khổng lồ này từ thị trường?
Chần chừ vì sợ mất quyền lợi
TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng lãnh đạo của một số DN không muốn tiến hành CPH thực ra là vì sợ quyền lợi bị đe dọa, ảnh hưởng. Tuy nhiên, lần này, ngay từ đầu năm, thông điệp của Thủ tướng đã có thêm nhiều giải pháp quyết liệt hơn cả khi có quy định, kỷ cương xử lý đối với những đơn vị không chấp hành, cả phương án lãnh đạo nào không làm sẽ bị điều chuyển nơi khác nên sẽ có nhiều chuyển biến.
Trên cơ sở chuẩn bị tốt môi trường pháp lý, xử lý tiếp theo các vấn đề bảo toàn vốn, bán dưới giá cổ phần, trang bị công nghệ… quá trình sau CPH sẽ có chuyển biến tích cực hơn.
Kỳ tới: Nếu hô hào, sẽ thất bại!
Bình luận (0)