Phần lớn thời lượng buổi họp báo chuyên đề về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn 9 tháng năm 2017 diễn ra sáng 27-9 dành cho chuyện cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam.
Không được trái quy hoạch
Liên quan đến cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam, điểm gây tranh cãi nhất là việc định giá khu đất vàng số 4 Thụy Khuê với giá 0 đồng. Trước các câu hỏi của phóng viên về vụ việc lùm xùm này, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (DN) - Bộ Tài chính, cho biết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam và đúng hay sai sẽ có kết luận sau.
Việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam đang gây nhiều tranh cãi Ảnh: BẠCH HUY THANH
Về phía Bộ Tài chính, bộ này chỉ ban hành cơ chế chính sách. Theo đó, quy trình xây dựng chính sách liên quan đến mảnh đất đúng và được công khai. "Thường thì tư vấn xác định giá trị DN bỏ qua hồ sơ đất đai và khoán trắng cho DN làm" - đại diện Cục Tài chính DN cho hay.
Cụ thể với việc xử lý "đất vàng" của Hãng phim Truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê, ông Tiến khẳng định việc này đã có quy trình rõ ràng. Theo đó, nếu đã quy hoạch để làm xưởng phim, trường quay thì mãi mãi làm xưởng phim, trường quay. Còn nếu quy hoạch những phần đất này chuyển sang xây chung cư, siêu thị… thì theo quy định, TP Hà Nội sẽ thu lại đất, xác định giá mới tùy từng địa điểm, vị trí. Sau đó, công ty cổ phần hóa nếu đủ tiền trả nhà nước theo mức giá mới thì thanh toán, sử dụng. Nếu không, cơ quan chức năng sẽ đấu giá cho đơn vị khác khai thác.
Bài học được ông Tiến rút ra là với một số ngành nghề kinh doanh, điều kiện chọn cổ đông chiến lược là phải cùng ngành nghề và cơ quan chức năng đang xây dựng dự thảo nghị định về cổ phần hóa DN nhà nước theo hướng này.
"Không thể mở ra, ai có tiền muốn làm gì thì làm. Với những ngành đặc thù như làm phim, kiểm toán, trường học, bệnh viện,… giá trị về chất xám con người vô cùng quan trọng. Như với phim, sản phẩm của họ là món ăn tinh thần nên có những đặc thù, phải suy nghĩ kỹ và làm chặt. Nhắc lại là cổ phần hóa không bằng mọi giá, không làm chậm nhưng phải thận trọng" - ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, hướng sửa đổi quy định là nhà đầu tư đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN cổ phần hóa trong ít nhất 3 năm. Nếu không thực hiện đúng cam kết, nhà đầu tư chiến lược phải bồi thường thiệt hại cho nhà nước.
Người lao động không thuận thì dừng
Liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong vụ việc cổ phần hóa hãng phim khi mà đơn vị nắm cổ phần chi phối không hề có kinh nghiệm làm phim, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng lẽ ra ngay từ phương án cổ phần hóa ban đầu, người lao động có thể có ý kiến. "Phải trách người, trách ta. Theo quy trình, từ khi có phương án cổ phần hóa lần đầu, đơn vị đã có buổi phổ biến cho người lao động để nói rõ cổ đông chiến lược là ai, thế mạnh là gì và để người lao động cùng ý kiến. Nếu phương án đưa ra không được cán bộ đồng thuận thì phải dừng lại" - ông Tiến chỉ rõ.
Bởi vậy, theo ông Tiến, đến khi "ván đã đóng thuyền" mà các nghệ sĩ mới nêu lên thì khó cho cơ quan nhà nước và cả nhà đầu tư. Như thế, người lao động cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình. "Khi cổ phần hóa, ta có quyền tranh cãi, có ý kiến thì phải nói. Vai trò của người lao động trong quá trình cổ phần hóa, ta quên mất rồi hay sao?" - ông Tiến nêu vấn đề và cũng nhìn nhận cơ quan quản lý nhà nước chưa hiểu tâm tư người lao động, nóng vội triển khai hoặc thiếu sót.
Mở rộng ra, liên quan đến phát sinh, tồn tại vấn đề đất đai sau cổ phần hóa, vị đại diện Bộ Tài chính đánh giá các quy định đều có đủ. DN muốn làm nhanh phải chủ động từ giai đoạn trước và thường DN không làm nên mới chậm.
Đẩy mạnh thoái vốn nhà nước ở Sabeco và Habeco
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, đến tháng 9-2017, 11 doanh nghiệp cổ phần hóa xong. Con số này quá nhỏ khi mục tiêu của năm 2017 là cổ phần hóa 44 DN. Đánh giá chung, ông Đặng Quyết Tiến lo ngại sẽ khó có thể hoàn thành chỉ tiêu mà Chính phủ đặt ra. Ngoài ra, có tình trạng DN đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán chiếm số lượng rất lớn.
Riêng với 2 "ông lớn" ngành bia là Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), theo Cục Tài chính DN, nếu đến ngày 30-9, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch về việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại 2 DN này sang Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Việc bàn giao này nhằm bảo đảm tiến độ thoái vốn nhanh hơn do SCIC là tổ chức chuyên trách thoái vốn, đã có kinh nghiệm, quy trình thoái vốn nhà nước số lượng lớn.
Bình luận (0)