Theo kế hoạch đã được phê duyệt từ cuối năm 2013, giai đoạn năm 2014-2015, cả nước phải cổ phần hóa (CPH) 432 doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, đến nay đã hơn 1/3 chặng thời gian mà mới CPH được chưa tới… 40 DN, riêng năm 2014 chỉ đạt khoảng 10% kế hoạch!
Các “ông lớn” ì ạch
Tình trạng CPH ì ạch diễn ra phổ biến ở các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương. Theo đề án tái cơ cấu đã được duyệt, đến hết năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty thuộc bộ này phải hoàn thành CPH 27 DN thành viên.
Trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam có 5 đơn vị; Tập đoàn Than - Khoáng sản có 8 đơn vị nhưng mới hoàn thành 2; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có 6 đơn vị, mới hoàn thành 1; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 3 đơn vị; Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam 1 đơn vị; Tổng Công ty Giấy 4 đơn vị, đến nay mới hoàn thành 1 đơn vị.
Trong khi một số tập đoàn cam kết hoàn thành tiến độ CPH vào năm 2015 thì cũng có không ít đơn vị đang lâm vào tình trạng khó khăn chồng chất, dự báo khó hoàn thành chỉ tiêu CPH được Chính phủ giao.
Đáng điểm tên đầu tiên là PVN với 3 đơn vị thành viên phải thực hiện CPH trong giai đoạn 2011-2015 nhưng đều có những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ chung. Trong đó, Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đang trong tình trạng kinh doanh thua lỗ kéo dài, nếu không được xử lý về tài chính thì sẽ không còn vốn chủ sở hữu để thực hiện CPH.
Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau thì kết quả sản xuất - kinh doanh phụ thuộc nhiều vào chính sách điều tiết giá khí cho sản xuất đạm của Chính phủ và ảnh hưởng đến tiến trình CPH. Riêng với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVN đang báo cáo xin ý kiến của các cấp để thực hiện chuyển đổi sang công ty TNHH 2 thành viên.
Công ty Thực phẩm miền Bắc (Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam) nằm trong danh sách CPH năm 2013 nhưng đang gặp khó khăn về tài chính, thuộc diện giám sát đặc biệt. Việc có đủ điều kiện CPH hay không phụ thuộc vào quá trình xử lý công nợ của công ty này.
Hiện Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đã tích cực làm việc với Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ nhưng tình hình xử lý tài chính cũng chưa có nhiều chuyển biến.
Thoái vốn nhỏ giọt
Một trong những biện pháp quan trọng để thực hiện CPH là thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong những lĩnh vực “nhạy cảm”.
Theo thông tin tại hội nghị phổ biến một số chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán tổ chức ngày 9-10 ở Hà Nội, Bộ Tài chính cho biết tính đến cuối năm 2013, tổng giá trị đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty vào lĩnh vực “nhạy cảm” là 21.417 tỉ đồng; trong đó riêng lĩnh vực tài chính, ngân hàng lên đến 15.242 tỉ đồng.
Năm 2014, các DN này phải thoái vốn 3.568 tỉ đồng (lĩnh vực tài chính, ngân hàng chiếm 2.863 tỉ đồng). Giá trị còn phải thoái vốn trong năm 2015 theo kế hoạch là 16.367 tỉ đồng.
Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành trên thực tế diễn ra rất chậm so với mục tiêu kế hoạch. Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu vừa qua, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết: Tính đến hết tháng 7-2014, đã thoái vốn được 7.139 tỉ đồng, mới bằng 28,8% tổng vốn đầu tư cần phải thoái là 21.797 tỉ đồng.
“Việc thoái vốn còn đặt ra dấu hỏi về tính thực chất của nó khi đa số phần vốn được chuyển giao trong nội bộ khu vực nhà nước và DN nhà nước” - ông Cung nhìn nhận.
Thiếu ràng buộc trách nhiệm
Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xác định giá tài sản của DN hiện nay rất khó do hầu hết tài sản bị hạ giá nhiều song tình hình kinh tế suy thoái chung nên không mấy nhà đầu tư mặn mà mua lại.
Ngoài ra, hầu hết người đứng đầu DN nhà nước trước nay không quen tự chủ, bươn chải nên khá lúng túng trong thực hiện. Một số lãnh đạo DN còn ngần ngại, chưa thông hoặc tính toán đến lợi ích của mình, làm cản trở tiến trình CPH.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng điều lo ngại hơn cả việc CPH và thoái vốn chậm là tình trạng thực hiện tái cơ cấu không đúng hướng nên dù có nỗ lực, quyết liệt đến bao nhiêu đi nữa thì kết quả sẽ không như mong đợi; trái lại, có thể làm cho tình hình càng trở nên xấu hơn.
Thực tế, các DN nhà nước chưa thực sự “lời ăn, lỗ chịu” - một nguyên tắc và kỷ luật cơ bản của thị trường dẫn đến việc không ràng buộc trách nhiệm hoặc trách nhiệm không rõ ràng.
“Do đó, CPH phải đi liền với việc áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với DN nhà nước, buộc các DN nhà nước phải cạnh tranh công bằng, bình đẳng như DN khác và đối mặt với cùng điều kiện thị trường như các DN khác” - TS Cung nhấn mạnh.
Một số kế hoạch CPH đình đám
- Phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) sẽ diễn ra vào sáng 14-11, theo Sở Giao dịch Chứng khoán
TP HCM. VNA có vốn điều lệ dự kiến hơn 14.101 tỉ đồng, bán đấu giá hơn 49 triệu cổ phần, tương đương 3,5% vốn điều lệ. Giá khởi điểm là 22.300 đồng/cổ phần.
- Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam đã hoàn thành bán toàn bộ 63,12% vốn điều lệ theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt.
- Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng đã tổ chức IPO vào ngày 22-9 vừa qua. Dự kiến, đầu quý I/2015 sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thành lập công ty cổ phần.
- Từ nay đến cuối năm 2015, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ hoàn thành CPH 3/5 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất. Hai doanh nghiệp còn lại sẽ CPH sau 2015 là Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Dầu Việt Nam.
- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã triển khai các bước để CPH 8 doanh nghiệp trong gia đoạn 2014-2015.
T.Dũng - T.Hà
Bình luận (0)