Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA).
VNA sau cổ phần hóa có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có con dấu riêng; được mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật; tổ chức và hoạt động theo điều lệ của VNA - công ty cổ phần, phù hợp với Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật liên quan.
VNA sau cổ phần hóa kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của VNA trước khi chuyển đổi; được tiếp tục kinh doanh các ngành, nghề VNA đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, về hình thức cổ phần hóa, giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. VNA có vốn điều lệ 14.101,84 tỉ đồng. Về cơ cấu cổ phần VNA phát hành lần đầu, tổng số cổ phần là 1.410.184.000 cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng. Trong đó, nhà nước giữ 1.057.638.000 cổ phần, chiếm 75% vốn điều lệ; 20.795.100 cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp, chiếm 1,475% vốn điều lệ; 705.092 cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức Công đoàn, chiếm 0,05% vốn điều lệ; 282.036.800 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 20% vốn điều lệ. Đáng chú ý, 49.009.008 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 3,475% vốn điều lệ.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian và Sở Giao dịch chứng khoán để bán cổ phần VNA, chỉ đạo VNA tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng. Khi có đủ điều kiện, thực hiện niêm yết cổ phiếu VNA trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật hiện hành. Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại VNA là Bộ Giao thông Vận tải.
Tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 10.180 người và toàn bộ số lao động này tiếp tục làm việc tại Công ty Cổ phần VNA.
Bình luận (0)