Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu BHN đã tăng kịch trần 20%, từ mức tham chiếu 39.000 đồng/cổ phiếu lên 54.600 đồng/cổ phiếu, lượng dư mua giá trần gần 2 triệu cổ phiếu, trong khi có rất ít người bán ra. Cả phiên chỉ có 100 cổ phiếu BHN được chuyển nhượng.
Cổ phiếu Habeco chính thức lên sàn chứng khoán sáng 28-10 sau nhiều lần trì hoãn.
Habeco có vốn điều lệ 2.318 tỉ đồng, tương ứng với 231,8 triệu cổ phiếu. Trong đó, Nhà nước (thông qua Bộ Công Thương) nắm 81,79% cổ phần và Carlsberg nắm 17,23% cổ phần. Như vậy, tỉ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng chỉ là 0,98% tương đương hơn 2,27 triệu cổ phiếu. Habeco đã cổ phần hóa từ tháng 3-2008, trong đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Giá trúng bình quân cổ phiếu Habeco là 50.015 đồng/cổ phiếu. Nhưng sau 8 năm kể từ khi cổ phần hóa với nhiều lần trì hoãn, Habeco mới thực hiện đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM.
Việc Habeco đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán là do sức ép của cơ quan quản lý cũng như dư luận sau một thời gian dài công ty này trì hoãn lên sàn. Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, sau khi niêm yết Habeco, trong năm 2016 sẽ thoái toàn bộ 82% vốn Nhà nước khỏi Habeco và dự kiến thu về khoảng 9.000 tỉ đồng.
Cùng với BHN, nhiều cổ phiếu khác trên hai sàn HoSE và HNX cũng đồng loạt tăng giá trong ngày 28-10. Chỉ số chứng khoán trên cả hai sàn đều tăng điểm khá mạnh, VN-Index tăng 5,35 điểm, lên 682,25 điểm; HNX-Index cũng tăng 0,35 điểm, lên 83,04 điểm. Đặc biệt, chỉ số VNX-All cũng có phiên tăng điểm đầu tiên từ khi áp dụng, với mức tăng 6,31 điểm lên 990,36 điểm.
Mặc dù tăng điểm nhưng giá trị giao dịch trên cả hai sàn không tăng mạnh, đạt sắp xỉ 2.500 tỉ đồng. Điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn tiếp tục giao dịch cầm chừng và chờ thêm tín hiệu mới cho thị trường. Đặc biệt, trong phiên này, cổ phiếu FLC và ROS liên quan đến ông Trịnh Đình Quyết, tỉ phú USD thứ hai trên sàn chứng khoán, đã tăng trần vì thông tin ông Quyết đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu.
Bình luận (0)