Khi xử lý việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, biện pháp phổ biến nhất tại Việt Nam là chủ sở hữu yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền (thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ, QLTT, công an,…) xử lý xâm phạm nhưng biện pháp này không mấy dễ dàng.
Bất cập về thẩm quyền xử lý
Theo ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, so với hàng giả thì kiểm tra, xử lý hàng nhái phức tạp hơn về phân biệt dấu hiệu xâm phạm quyền để từ đó kết luận hàng hóa đó là vi phạm đòi hỏi người xử lý phải có chuyên môn nghiệp vụ. Do QLTT không có chuyên môn về giám định sở hữu trí tuệ nên phải gửi mẫu đi giám định hoặc tham khảo ý kiến chuyên môn. Nhưng việc trả lời kết luận của cơ quan chức năng phục vụ cho công tác xử lý vi phạm theo thủ tục hành chính còn chậm, chưa đáp ứng thời gian theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính về thời gian tạm giữ tang vật để làm rõ, kết luận hành vi vi phạm.
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương, cho rằng các văn bản pháp luật liên quan đến thực thi sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập, chưa phù hợp thực tế. Thẩm quyền xử lý vi phạm luật giao nhiều cho thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ nhưng cơ quan này lại thiếu lực lượng trong khi các đơn vị khác như công an, QLTT có đủ lực lượng lại thiếu chuyên môn.
Dù các cơ quan thực thi không có chuyên môn về giám định sở hữu trí tuệ nhưng luật quy định người có thẩm quyền xử lý vi phạm phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý về quyết định xử phạt. Từ đó, phát sinh tâm lý e ngại của người thực thi do thường xuyên đối mặt với khiếu kiện từ đối tượng bị xử lý. Do đó, một số cơ quan thực thi thường tìm cách né tránh xử lý các vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, dẫn đến hiệu quả đạt được trong công tác thực thi quyền bảo hộ sở hữu công nghiệp bị hạn chế.
Luật còn kẽ hở
Theo một cán bộ thường xuyên xử lý các vụ việc liên quan đến hàng nhái thì đang có một kẽ hở về thủ tục đăng ký lưu thông hàng hóa khiến cho hàng nhái vẫn ung dung ra thị trường cho đến khi bị chủ sở hữu tố mà không bị chặn ngay từ đầu. Theo vị này, trước đây việc đăng ký chất lượng hàng hóa tập trung vào một cơ quan đầu mối là các chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành, khi cấp xác nhận đăng ký chất lượng có ghi rõ giấy này không thay thế cho bản đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Nghĩa là, thủ tục này chỉ xác nhận về chất lượng, không quy định phần hình thức bao bì. Sau đó, việc đăng ký chất lượng được chuyển về các chi cục chuyên ngành không còn câu lưu ý này nữa. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng nhái dùng hồ sơ chất lượng để đưa sản phẩm ra thị trường mà không đi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa bởi nếu đi đăng ký sẽ bị chặn lại do Cục Sở hữu trí tuệ có hệ thống dữ liệu để đối chiếu trước khi cấp.
Như trường hợp Công ty TNHH Liên doanh Bột Sài Gòn (Vinamix) sản xuất bột bánh xèo Hương Quê nhái kiểu dáng bao bì, nhãn hiệu bột bánh xèo Hương Xưa của Công ty Liên doanh Bột mì Quốc tế (Intermix) nhưng vẫn có các giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Người không am hiểu nhìn vào những giấy tờ này có thể nghĩ sản phẩm của Vinamix là “không có vấn đề gì”.
Ngày 21 và 22-3 vừa qua, trong biên bản làm việc với Đoàn Kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Vĩnh Long, ông Phạm Minh Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamix, thừa nhận: “Trước đây có sản xuất bột bánh xèo hiệu Hương Quê trên bao bì mặt sau có chữ Vinamix và hình vòng cung có thông tin xâm phạm quyền và nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty Intermix” (do thời điểm kiểm tra không ghi nhận có sản phẩm xâm phạm quyền - NV). Kết luận giám định sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ cũng cho thấy dấu hiệu “Vinamix và hình” gắn trên bao gói sản phẩm bột bánh xèo của Công ty Vinamix là dấu hiệu “tương tự gây nhầm lẫn” với nhãn hiệu “Intermix và hình” của Công ty Intermix. Đây là yếu tố “xâm phạm quyền” nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty Intermix.
Mới đây, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã có ý kiến chuyên môn gửi Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về “hành vi sử dụng kiểu dáng bao bì sản phẩm Bột bánh xèo Hương Quê của Công ty Vinamix chứa đủ các dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh”.
Thế nhưng, ngày 25-3, Vinamix vẫn giới thiệu, quảng bá các sản phẩm xâm phạm quyền và khẳng định sản phẩm có “đầy đủ cơ sở pháp lý”.
Làm hàng nhái vẫn được “gỡ khó”
Trong khi Công ty Intermix trông chờ động thái quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc xử lý hành vi sản xuất hàng nhái, cạnh tranh không lành mạnh của Công ty Vinamix và theo dõi tiến độ thu hồi sản phẩm, loại bỏ yếu tố xâm phạm theo cam kết thì thực tế đang diễn ra ngược lại. Ngày 18-4, Công ty Vinamix bất ngờ đưa ra văn bản số 433 ngày 10-4 của Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long chấp nhận cho Vinamix được tiếp tục sử dụng mẫu bao bì còn tồn đọng đã được in ấn trước sau khi đã khắc phục theo hướng xóa dấu hiệu “Vinamix và hình” được lưu hành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến hết ngày 30-9. Việc khắc phục theo phản ánh của Công ty Intermix thực chất chỉ là dán decal che logo xâm phạm. Công ty Vinamix chỉ phải hoàn thành việc thiết kế, in ấn mẫu bao bì mới và đưa vào sử dụng trước ngày 30-9. Cơ sở để Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long đưa ra quyết định trên là “nhằm tháo gỡ khó khăn cho công ty (Vinamix) trong quá trình sản xuất kinh doanh, tránh gây lãng phí, giúp công ty vượt qua khó khăn theo Nghị quyết số 02 năm 2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu”.
Kỳ tới: Giải pháp ngăn chặn
Bình luận (0)