Công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư và sáng tạo, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Nếu công tác này không thực hiện nghiêm sẽ làm mất niềm tin của các nhà đầu tư.
Dễ nản lòng
Khi sản phẩm bị làm nhái, những biểu hiện dễ thấy là doanh số sụt giảm, doanh nghiệp (DN) phải bố trí thêm nhân lực, thời gian để phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý hàng nhái. Trong khi đó, quy trình để xử lý hành vi này rất phức tạp khiến nhiều DN nản lòng.
Theo một luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ, dù các văn bản luật là như nhau nhưng mỗi địa phương áp dụng khác nhau và các chủ sở hữu phải tuân theo. “Nhìn chung, khi phát hiện có hàng giả trên thị trường, DN hoặc đại diện ủy quyền, thường là các công ty luật, phải tổ chức thu thập chứng cứ để gửi đơn yêu cầu cơ quan chức năng xử lý. Sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh, nếu đúng mới kiểm tra, xử lý. Đó là quy trình chung nhưng nhiều khi cơ quan chức năng ngâm vụ việc quá lâu cũng hỏng vì hàng nhái đã tiêu thụ hết, không còn tang vật để xử lý.
Ngoài ra, do sợ trách nhiệm nên gần như vụ việc nào cơ quan thực thi cũng gửi mẫu đi giám định, trong khi hàng hóa kiểm tra chỉ sai khác một chút như thay đổi kiểu chữ so với mẫu đã giám định kết luận có vi phạm khiến vụ việc kéo dài. Trong khi đó, đối tượng làm hàng nhái rất tinh vi, liên tục thay đổi một vài chi tiết nhỏ dù tổng thể na ná nhau khiến việc xử lý thêm phức tạp, mệt mỏi” - vị luật sư này nêu thực tế.
Tại TP HCM, trước đây từng có một công ty nhựa bị mất thị phần đến 80% bởi hàng nhái. Nguyên nhân do người lập cơ sở làm hàng nhái từng phụ trách kinh doanh cho công ty bị xâm phạm nên nắm rõ bí mật sản phẩm. Thậm chí, hàng nhái còn lọt vào siêu thị và “hất cẳng” hàng thật ra khỏi kệ. Sau này, dù thắng về pháp lý nhưng một số siêu thị vẫn không hợp tác với công ty vì bán hàng nhái lãi hơn.
Uy tín bị sụt giảm
Theo đại diện Công ty Liên doanh bột mì Quốc tế (Intermix) và Công ty Bột mì Đại Phong, 2 đơn vị đang bị Công ty Liên doanh Bột Sài Gòn và Công ty Bột mì Đại Nam xâm phạm quyền đối với 2 sản phẩm bán chạy là Bột bánh xèo Hương Xưa (bằng sản phẩm Bánh xèo Hương Quê Vinamix) và Bột mì đa dụng (bột mì số 8) hình quả táo (bằng sản phẩm Bột mì nhãn hiệu trái lê) thì thiệt hại lớn nhất chính là uy tín của công ty.
“Khi mua hàng nhái, do không để ý, người tiêu dùng nhầm tưởng sản phẩm của công ty bị giảm chất lượng. Đó là sự thiệt hại lớn nhất mà công ty phải gánh chịu. Phía nhà đầu tư Nhật Bản trong Công ty Liên doanh bột mì Quốc tế quan ngại nạn hàng nhái. Hàng nhái không rõ ràng, không bảo đảm chất lượng, làm ảnh hưởng đến uy tín DN chân chính và quan trọng hơn là có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng” - vị đại diện này phân tích.
Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương, hàng xâm phạm quyền (thường gọi là hàng nhái) được hiểu nôm na là “ăn cắp thành quả của người khác” gây thiệt hại cho chủ sở hữu. Thực tế có nhiều cá nhân, tổ chức không đầu tư, nghiên cứu làm ra sản phẩm mới có sự khác biệt mà lại thích “ăn theo” thương hiệu nổi tiếng để dễ kiếm lợi nhuận.
Ông Trần Thanh Kha, Quản lý cao cấp Công ty TNHH NGK Spark Plugs Việt Nam, cho biết đang phối hợp với các cơ quan thực thi của Việt Nam xử lý hàng giả, hàng nhái sản phẩm bugi NGK (Nhật Bản). Hàng giả, hàng nhái làm khách hàng mất niềm tin vào sản phẩm chính hiệu. DN bị làm hàng nhái bị sụt giảm doanh số và thị phần. Hàng nhái còn làm mất môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Theo ông Kha, Việt Nam thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa đầy đủ như các nước ASEAN, nơi bugi NGK trụ khá vững trên thị trường. Tại Thái Lan, đơn vị kinh doanh hàng vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ bị cấm kinh doanh vĩnh viễn, phạt tù từ 1-5 năm nếu tái phạm. Việt Nam chưa có các giải pháp rõ ràng và cụ thể để bảo hộ sở hữu trí tuệ. Công tác này cũng chưa được quan tâm đúng mức, trong khi nạn xâm hại quyền sở hữu trí tuệ đang rất nghiêm trọng tại Việt Nam.
Tài sản vô hình
Theo báo cáo của Công ty Định giá thương hiệu Brand Finance, thương hiệu chiếm 26% tổng giá trị DN tại Việt Nam, trong khi tỉ lệ trung bình toàn cầu là 53%. Nhiều cuộc điều tra cho thấy thương hiệu và các tài sản vô hình khác chiếm từ 30%-70% giá trị của một công ty; ở một số ngành như hàng xa xỉ, con số này có thể cao hơn.
Kỳ tới: Cơ quan thực thi gặp khó
Bình luận (0)