Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Theo đó trong giai đoạn 1 của dự án, sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, trình Hội đồng thẩm định nhà nước. Trong đợt lấy ý kiến ngày 24-8 vừa qua, đa số các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước đã nhất trí thông qua dự thảo Báo cáo thẩm định và nội dung dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực Hội đồng) đã hoàn chỉnh Báo cáo thẩm định cùng dự thảo Quyết định đầu tư dự án và trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Hội đồng Thẩm định nhà nước đã kiến nghị một số nội dung đáng chú ý về chủ đầu tư các dự án thành phần.
Với Dự án thành phần 1: Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước: Giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư các công trình bảo đảm tiến độ. Trường hợp các cơ quan không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.
Với Dự án thành phần 2: Các công trình phục vụ quản lý bay: Chủ đầu tư là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM)
Với Dự án thành phần 3: Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện: Chủ đầu tư là ACV.
Với Dự án thành phần 4: Các công trình dịch vụ, các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ GTVT chủ trì lựa chọn.
Tổng mức đầu tư Dự án: 109.111,742 tỉ đồng, tương đương khoảng 4.664,89 triệu USD (tỉ giá 1USD=23.390VND công bố tại ngân hàng Vietcombank ngày 25-5-2020).
Về nguồn vốn đầu tư: Dự án thành phần 1: Sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước của các cơ quan chủ quản công trình hoặc huy động vốn đầu tư theo hình thức PPP. Các Dự án thành phần 2, 3, 4 sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.
Trước đó, Báo cáo nghiên cứu khả thi về CHKQT Long Thành giai đoạn 1 đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2019.
Khi đó, Chính phủ đề xuất: Hạng mục 1 sẽ giao cho ACV đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại.
Hạng mục 2 giao VATM trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Hạng mục 3 giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Hạng mục 4 giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Như vậy, với kiến nghị của Hội đồng Thẩm định nhà nước về dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) sẽ do các cơ quan nhà nước tự bố trí nguồn vốn để đầu tư hoặc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, thay vì thuê lại của ACV như đề xuất ban đầu.
Bên cạnh đó, với các công trình dịch vụ, Bộ GTVT chủ trì lựa chọn các nhà đầu tư, chủ đầu tư chứ không giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư.
Tiến độ thẩm định, phê duyệt Dự án chậm
Hội đồng thẩm định nhà nước đánh giá tiến độ thẩm định, phê duyệt Dự án chậm so với yêu cầu do đây là Dự án rất lớn, có tính chất phức tạp nên Tư vấn thẩm tra quốc tế hoàn chỉnh Báo cáo thẩm tra chậm hơn dự kiến; đồng thời do dịch Covid-19 nên trong quá trình thẩm tra, thẩm định, các đơn vị, cá nhân liên quan không thể họp để trao đổi trực tiếp mà phải thực hiện gián tiếp thông qua họp trực tuyến và lấy ý kiến bằng văn bản nên việc thẩm tra, thẩm định cần thêm thời gian.
Tuy nhiên, Chính phủ khẳng định với tiến độ hiện nay, dự kiến Dự án sẽ khởi công vào năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025 theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.
Bình luận (0)