Theo đó, gần đây trên một số website, diễn đàn và mạng xã hội phổ biến nhiều thông tin về các loại tiền ảo như Swisscoin, Bitcoin, Onecoin, Gem coin, IL coin… với nhiều lời chào mời các nhà đầu tư tham gia mạng lưới để thu lãi “khủng”.
Nhưng trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Cục thương mại điện tử và công nghệ thông tin cũng từng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo này.
Trên thực tế, trong 2 năm 2014 và 2015, nhiều hệ thống tiền ảo như Bitcoin đã bị cấm giao dịch ở một số quốc gia như Trung Quốc, Nga, Thái Lan... và thậm chí các hệ thống kỹ thuật cũng bị hacker tấn công như ở Nhật Bản, Hồng Kông dẫn tới nhà đầu tư và người dân bị thiệt hại nặng nề.
Tại Việt Nam, cơ quan công an cũng nhận được nhiều đơn trình báo của nhà đầu tư tố cáo bị đối tác mua bán trên mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi chuyển tiền mặt vào tài khoản của đối tượng nhưng không nhận được tiền điện tử quy đổi.
Do vậy, Cục thương mại điện tử và công nghệ thông tin khuyến cáo người tiêu dùng và các nhà đầu tư thận trọng khi tham gia mua bán tiền ảo hay sử dụng để thanh toán cho các giao dịch thương mại điện tử, tránh các rủi ro bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tiền ảo được tạo ra bởi một số công ty mà không được kiểm soát, không có cơ sở tiền tệ nào để định giá (thay vì đồng tiền của mỗi nước thường được định giá bởi uy tín của chính phủ và hiệu quả điều hành, cùng với quá trình kiểm soát phát hành tiền…).
Quan trọng hơn, không có kênh đầu tư nào siêu lợi nhuận như tiền ảo được quảng cáo và bản thân các khoản đầu tư này không tạo ra giá trị, chỉ là chuyển tiền từ người này sang người khác (người đi trước hưởng lợi, hoa hồng từ người đi sau).
Bình luận (0)