Vấn đề được tranh luận nhiều nhất trong quá trình xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, theo nhiều chuyên gia trong ngành, đó là chính sách thuế. Có thể nói đến thời điểm này, chính sách thuế từ vị trí là tác nhân hỗ trợ đã trở thành tác nhân cản trở ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Phản tác dụng
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế Bộ Tài chính, từ năm 1991, ngành công nghiệp lắp ráp ô tô trong nước hình thành, Việt Nam hạn chế nhập khẩu ô tô và dùng thuế nhập khẩu là công cụ bảo hộ sản xuất trong nước. Trong hơn 10 năm sau đó, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc được quy định ở mức cao là 100% đối với xe chở người và xe tải dưới 5 tấn.
Thời gian qua, các doanh nghiệp ô tô được bảo hộ nhiều nhất nhưng ngành công nghiệp này vẫn chỉ là lắp ráp. Ảnh: Thế Dũng
Theo thống kê chỉ trong vòng 16 tháng (từ tháng 1-2007 đến tháng 4-2008), chính sách thuế thay đổi 6 lần. Và quan trọng là thay vì một chính sách có lợi cho người tiêu dùng, chúng ta lại thực hiện một chính sách bảo hộ doanh nghiệp.
Với hàng rào thuế quan đánh vào ô tô nhập khẩu, thị trường trong nước được các doanh nghiệp thao túng giá. Khách hàng mua một xe phải trả tiền như mua 3 xe vì giá đắt gấp 3 lần so với xe cùng loại ở nước ngoài. Các liên doanh vài năm mới cho ra đời một mẫu xe mới để khai thác tối đa lợi nhuận của mỗi mẫu xe. Những lúc khan hàng, thị trường bị đảo ngược, người bán mới là “thượng đế”, người mua phải đăng ký trước, có khi cả 4 - 5 tháng và trả thêm tiền mới được nhận xe...
Lạ lùng
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, không ít nhà kinh tế trong nước và nước ngoài thực sự ngạc nhiên khi thấy trong cam kết với WTO của Việt Nam, ô tô là ngành được bảo hộ với hàng rào thuế quan cao và thời hạn dài hơn rất nhiều ngành khác. Được ưu đãi, các liên doanh không mấy phải lo cạnh tranh mà chỉ cùng nhau không ngừng than vãn về những khó khăn và liên tục vừa đòi hỏi vừa vận động để tiếp tục được bảo hộ.
Khi được hỏi ý kiến của mình về lợi ích nhóm trong ngành công nghiệp ô tô, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói doanh nghiệp lắp ráp ô tô được bảo hộ nhiều nhất. Họ chẳng làm bao nhiêu mà chúng ta vẫn tiếp tục bảo hộ.
Trong những sai lầm về chính sách của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, thuế là điển hình nhất. Thể hiện ở 3 nhược điểm: Tạo ra giá bán xe quá cao so với chính quốc, không ổn định và mỗi lần tăng thuế là một lần gây “bão giá” trên thị trường...
(Chuyên gia ô tô Nguyễn Đức Phú) |
Bình luận (0)