Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, sau khi dư luận phản ứng với văn bản cho phép Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (Công ty Bồng Miêu) xuất hóa đơn bán lẻ vàng trong nước, Tổng cục Thuế đã ra thông báo dừng văn bản này. Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng lại ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép Công ty Bồng Miêu và Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (Công ty Phước Sơn, cùng thuộc Tập đoàn Besra, đóng ở tỉnh Quảng Nam) xuất khẩu gần 400 kg vàng.
Gỡ khó cho doanh nghiệp tai tiếng
Cụ thể, NHNN cho biết tháng 7-2015, đơn vị này nhận được hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu của Công ty Bồng Miêu với khối lượng 175 kg và Công ty Phước Sơn là 200 kg. Trong văn bản, NHNN viện dẫn cơ sở pháp lý để cơ quan này xem xét cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu là căn cứ Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng và Thông tư 16/2012/TT-NNNN ngày 25-5-2012 của NHNN hướng dẫn một số điều của nghị định trên.
NHNN nêu rõ: “Điều 7, mục 2 Thông tư 16 quy định điều kiện cấp phép xuất khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu vàng tại Việt Nam gồm: Là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật; có giấy phép khai thác vàng; có tài liệu chứng minh nguồn vàng nguyên liệu dự kiến xuất khẩu do doanh nghiệp khai thác ở trong nước; không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong thời hạn 12 tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu”.
Từ đó, NHNN cho rằng tại thời điểm này, mặc dù 2 công ty vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước nhưng để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện giúp 2 công ty có nguồn thu thanh toán tiền lương cho người lao động và thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước trong khi xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, NHNN xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép NHNN cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho Công ty Bồng Miêu và Công ty Phước Sơn.
NHNN đồng thời yêu cầu 2 công ty trên lập văn bản cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước đối với từng lần xuất khẩu.
Văn bản của NHNN khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi 2 doanh nghiệp này đang nợ thuế dai dẳng khiến chính quyền tỉnh Quảng Nam phải đau đầu. Nếu không kể tới việc “chây ì” nộp thuế thì hiện Công ty Bồng Miêu vẫn đang bị Công an tỉnh Quảng Nam điều tra về hành vi xuất khống hóa đơn để bán vàng hơn 107 tỉ đồng. Không hiểu sao NHNN lại đề nghị cho phép bán vàng ra nước ngoài trong khi tại văn bản trên, NHNN nêu rõ một trong những điều kiện để được cấp phép xuất khẩu vàng là doanh nghiệp không vi phạm pháp luật.
Vàng ở đâu để bán?
Ông Nguyễn Việt Xuân, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, cho biết tính đến ngày 30-6, 2 công ty vàng đang nợ thuế hơn 387 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Phước Sơn nợ hơn 299 tỉ đồng, Công ty Bồng Miêu nợ 88,1 tỉ đồng. Nói về việc NHNN đề nghị cho 2 công ty trên xuất khẩu vàng, ông Xuân cho biết trước đó tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Sở Tài chính tham mưu về việc này.
Sau đó, Sở Tài chính tổ chức họp và Cục Thuế tỉnh Quảng Nam có văn bản nêu quan điểm đồng ý cho xuất khẩu vàng với điều kiện phải trả đủ tiền thuế cho ngân sách nhà nước. Còn không thì NHNN phải đứng ra bảo lãnh, trong vòng 12 tháng nếu 2 công ty không trả hết thuế thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
Trả lời câu hỏi vì sao 2 công ty vẫn còn gần 400 kg vàng để bán nhưng trước đó Cục Thuế lại cho rằng công ty không còn tài sản nên không thể tiến hành kê biên, ông Xuân nhận định có thể công ty xin phép rồi mới sản xuất vì số liệu khai thác cung cấp cho Cục Thuế thì 2 công ty không còn vàng tồn kho.
“Chúng tôi đã đi kiểm tra nhưng chỉ có thể kiểm tra tài sản tại nhà máy chứ nếu họ chôn vàng thì làm sao mình biết được. Hiện nay, nếu 2 công ty này được cho phép xuất khẩu và họ đưa vàng lên bán thì cũng chịu thôi” - ông Xuân nói.
Dùng đủ cách vẫn không thu được thuế
Hiện Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã áp dụng tất cả biện pháp cưỡng chế thuế nhưng không thu được đồng thuế nào. Mới đây, Cục Thuế gửi văn bản đề nghị tỉnh Quảng Nam rút giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với Công ty Phước Sơn. Tuy nhiên, thời điểm đó, Luật Doanh nghiệp mới cũng bắt đầu có hiệu lực, lại không có quy định rút giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với công ty nợ thuế mà chỉ ghi cảnh báo lên giấy phép.
“Sau khi ghi cảnh báo lên giấy phép mà các công ty vẫn không nộp thuế thì sẽ yêu cầu các ngân hàng xử lý tài sản kèm theo vốn vay, nếu còn lại thì thuế mới thu vì tài sản đã thế chấp ngân hàng không thuộc tài sản để kê biên. Tuy nhiên, cũng hết sức khó để thu được tiền” - ông Xuân nói.
Bình luận (0)