xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

CPTPP - Cơ hội nâng tầm doanh nghiệp

NHÓM PHÓNG VIÊN

Theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ký kết vào rạng sáng 9-3 (theo giờ Việt Nam) được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP):

Sân chơi công bằng về tiêu chuẩn, chất lượng

Còn quá sớm để đánh giá CPTPP tác động thế nào đến tăng trưởng đối với xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam. CPTPP là hiệp định thế hệ mới, chắc chắn sẽ tác động đến từng doanh nghiệp (DN) và thay đổi thể chế chính sách, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh tốt hơn.


CPTPP - Cơ hội nâng tầm doanh nghiệp - Ảnh 1.

Khách quốc tế tìm hiểu các loại thủy sản Việt Nam tại một triển lãm quốc tế tổ chức ở TP HCM Ảnh: NGỌC ÁNH

Hầu hết các nước CPTPP đều đang nhập thủy sản Việt Nam, trong đó có những thị trường lớn như Nhật Bản, Canada. Thuế nhập khẩu thủy sản lâu nay tương đối thấp nên thuế quan không phải là vấn đề lớn đối với DN. Theo tôi, lợi ích lớn nhất mà các DN xuất khẩu thủy sản nhận được là thông qua hiệp định chung của 11 nước sẽ tạo sự công bằng về các tiêu chuẩn và những vấn đề liên quan như môi trường, chất lượng… để DN đáp ứng yêu cầu các thị trường tốt hơn.

Thông qua những quy định, quy tắc chung từ hiệp định, DN Việt bắt buộc phải nâng tầm để thích nghi với sân chơi lớn. Rào cản thương mại, bảo hộ mậu dịch đang là vấn đề chung trên toàn cầu, cam kết trong CPTPP sẽ tạo ra thế cân bằng cho DN xuất khẩu. Rào cản phi thuế quan cũng khá quan trọng nhưng đàm phán công bằng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam cũng như tạo ra hoạt động ổn định cho DN xuất khẩu Việt Nam.

Ông LÊ QUANG HÙNG, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Garmex Sài Gòn:

Cần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển

CPTPP không có Mỹ - vốn là thị trường xuất khẩu rất lớn và tiềm năng của Việt Nam - nên dường như nhiều DN không trông chờ nhiều. Bởi thực tế, với một số thị trường khác trong khối CPTPP, Việt Nam đều đã có hiệp định thương mại song phương. Ở góc độ DN ngành dệt may, để được hưởng lợi từ hiệp định này cần đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ (giống như những cam kết trong TPP trước đây) thì DN chúng tôi lại cảm thấy lo lắng. Đầu tư vào khâu nguyên liệu như dệt, sợi, nhuộm… cần lượng vốn rất lớn mà từng DN không thể đáp ứng được, trong khi thời gian qua, ngành công nghiệp phụ trợ của dệt may, da giày gần như vẫn chưa có gì cải thiện.

Làm sao để tận dụng cơ hội từ CPTPP là bài toán mà DN dệt may đang trăn trở. Các bộ, ngành, cơ quan quản lý cần nhanh chóng thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển để trong vài năm tới, theo lộ trình cam kết, các DN trong ngành dệt may đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ và hưởng lợi nhờ thuế giảm. Nếu không nhanh chóng phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng vùng nguyên phụ liệu đầu vào cho DN trong ngành, lợi thế từ hiệp định này có thể thuộc về các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do họ có vốn, công nghệ và họ sẽ là người hưởng lợi nhiều hơn.

Ông NGUYỄN ĐỨC THANH, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam:

Minh bạch và có trách nhiệm hơn

Việc ký kết CPTPP cũng như hòa nhập với thế giới sẽ giúp các DN trưởng thành và lớn mạnh hơn. Các DN buộc phải đổi mới để hội nhập, tức phải đầu tư thay đổi công nghệ, sản xuất sạch hơn để cạnh tranh.

Không chỉ sản xuất tốt, DN còn phải hướng đến cộng đồng, bảo vệ môi trường; hành xử với thị trường, khách hàng, công nhân phải minh bạch, rõ ràng. Hòa nhập với thế giới trong một sân chơi lớn cũng đòi hỏi các DN phải nghiêm túc. Nếu làm ăn chụp giựt, gian dối, cạnh tranh không lành mạnh, DN sẽ khó tồn tại.

Việc miễn giảm thuế cũng tạo lợi thế cho xuất khẩu nông sản - là thế mạnh của Việt Nam, trong đó DN điều có đến 95% sản lượng sản xuất là phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, với CPTPP, cơ hội cho DN ngành điều sẽ nhiều hơn là khó khăn.

Ông NGUYỄN LÂM VIÊN, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit:

Doanh nghiệp nắm bắt chính sách rất yếu

Trước CPTPP, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, khu vực kinh tế. Chính phủ quyết liệt hội nhập nhưng chưa trang bị đủ "vốn" cho DN - những người trực tiếp tham gia sân chơi hội nhập. Kết quả dễ thấy là đến nay, DN Việt rất yếu trong việc nắm bắt, tận dụng chính sách trong các hiệp định cũng như sử dụng những lợi thế có được từ việc trở thành thành viên của những hiệp định này để phát triển lớn mạnh hơn.

Các quốc gia mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập nhưng bên cạnh đó, họ vẫn dựng lên những rào cản để trói buộc, gây trở ngại để hạn chế nhập khẩu. Đơn cử trước đây, DN đủ chuẩn xuất khẩu có thể đưa hàng vào các hệ thống bán lẻ ở nước ngoài nhưng bây giờ, muốn vào được siêu thị, cửa hàng của họ thì phải đáp ứng thêm 4-5 quy định khác. Hàng rào vẫn liên tục được dựng lên, bằng cách này hay cách khác và DN Việt muốn xuất khẩu được hàng phải nỗ lực cập nhật những quy định mới, kịp thời đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, đa số DN Việt không xuất khẩu trực tiếp mà gia công hoặc xuất qua bên thứ 3 nên ít tìm hiểu, chủ động ứng phó những tiêu chuẩn này.

Ở chiều ngược lại, chúng ta mở toang thị trường cho hàng hóa các nước tràn vào. Việt Nam trở thành vùng trũng tiêu thụ không chỉ trong khu vực mà của nhiều quốc gia khác. DN Việt chưa được hưởng lợi gì từ hội nhập đã phải "toát mồ hôi" cạnh tranh giữ thị trường nội địa

Nên chủ động tiếp cận thị trường

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, khi tham gia CPTPP, nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện, việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững… Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường. Với một môi trường liên tục được hoàn thiện bằng những cải cách về thể chế cũng như từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh, điều kiện để thu hút đầu tư thêm nguồn lực từ bên ngoài sẽ được cải thiện nhanh chóng.

Những ngành hàng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP, theo Bộ Công Thương, là dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo… Có điều, để DN hưởng lợi thật sự thì sự chủ động trong tiếp cận thị trường, bằng chính nhãn quan của DN mới là điểm mấu chốt, bảo đảm hội nhập thành công.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo