Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trên cơ sở Quyết định 13, các tổng công ty điện lực sẽ thực hiện ký hợp đồng mua điện và thanh toán tiền điện đối với các dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã chốt chỉ số công-tơ để bắt đầu giao nhận điện và thanh toán tiền điện từ ngày 1-7-2019. Để tạo thuận lợi cho người dân, trong thời gian chờ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện, Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản cho phép tạm thời sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu hiện hành để ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư đã đưa vào vận hành sau ngày 30-6-2019.
Gỡ nút thắt
Do đó, từ ngày 23-5, EVN đã có thể thực hiện việc ký hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng. Theo EVN, từ ngày 1-7-2019 đến 31-12-2019, giá mua điện là 1.913 đồng/KWh; từ ngày 1-1 đến 31-12-2020, giá mua điện là 1.940 đồng/KWh. Kể từ năm 2021, giá mua điện được xác định theo từng năm bằng tiền đồng Việt Nam tương đương với 8,38 UScents/KWh quy đổi theo tỉ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày cuối cùng của năm trước.
Các chuyên gia năng lượng đánh giá ĐMTMN giúp giảm chi phí tiền điện hằng tháng do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm hoặc giảm giá mua điện bậc cao. Bên cạnh đó, tăng thu nhập nhờ bán lại phần sản lượng điện không sử dụng cho EVN. Hệ thống điện còn được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu nên giảm áp lực đầu tư lưới điện truyền tải.
Điện mặt trời áp mái kỳ vọng sẽ phát triển mạnh khi các vướng mắc về cơ chế đã được giải quyết Ảnh: EVN
Ông Đinh Tiến Minh (trú quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) chia sẻ: Gia đình ông đầu tư gần 40 triệu đồng lắp đặt hệ ĐMTMN. Sử dụng nguồn điện này, gia đình ông Minh tiết kiệm được 1 triệu đồng tiền điện mỗi tháng, chống nóng hiệu quả, đặc biệt vào thời điểm nắng nóng như hiện nay. Với tính toán của gia đình ông Minh, trong vòng hơn 3 năm là thu hồi được vốn trong khi tuổi thọ của thiết bị này thường trên chục năm.
Hỗ trợ người dân
Để khai thác tối đa tiềm năng từ ĐMTMN, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân lắp đặt. Ông Võ Ngọc Quý, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Điện lực Gia Lai, cho biết với tiềm năng lớn về nguồn điện năng lượng mặt trời, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã lắp đặt hệ thống ĐMTMN, vừa để sử dụng vừa có thể bán lại cho ngành điện. Chỉ trong 1 tháng qua, Gia Lai đã có hơn 300 khách hàng đăng ký lắp đặt ĐMTMN với tổng công suất hơn 300 MWp. "Đơn vị đã tạo điều kiện cho khách hàng từ tư vấn, thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu đóng điện, lắp đặt công-tơ 2 chiều, tính toán giao nhận điện năng" - ông Quý thông tin.
Tại Hà Nội, vừa qua Tổng Công ty Điện lực cũng đã đưa ra các chính sách hỗ trợ. Theo đó, khách hàng khi lắp đặt ĐMTMN trong năm 2020 sẽ được hỗ trợ tiền mặt 2 triệu đồng cho hệ thống có công suất dưới 3 KWp và 5 triệu đồng cho hệ thống có công suất từ 3 KWp trở lên, thực hiện công việc thủ tục liên quan đến thay thế công-tơ điện 2 chiều và cung cấp dịch vụ bảo trì miễn phí cho hệ thống trong 2 năm đầu.
PGS-TS - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng phát triển ĐMTMN sẽ giúp giải tỏa phần nào áp lực cho cung ứng điện thời gian tới. Theo ông Long, chính sách, giá mua điện đã được chốt nên người dân hoàn toàn yên tâm để đầu tư lắp đặt. Thống kê của EVN cho thấy lũy kế đến nay, cả nước đã phát triển 27.631 dự án ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt là 562,8 MWp. Trong 4 tháng đầu năm, các công trình ĐMTMN đã phát lên lưới điện quốc gia hơn 137,1 triệu KWh.
Ngành điện cho biết hiện trình tự thủ tục đấu nối và mua ĐMTMN rất đơn giản, được hỗ trợ kiểm tra miễn phí điều kiện hòa lưới, lắp đặt điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán. "EVN xác định rõ việc hỗ trợ phát triển ĐMTMN là một trong những giải pháp quan trọng bởi đây là nguồn cung cấp điện hiệu quả, đáp ứng nhu cầu điện năng ngày một tăng cao" - lãnh đạo EVN cho hay.
Bình luận (0)