Đây là chính sách đặc thù trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo được triển khai theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Những chính sách này sẽ được trình HĐND TP HCM xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 9 tới.
Tối đa 520 triệu đồng/dự án
Theo dự thảo về Quy định mức hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách TP HCM cho chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP HCM, chính sách hỗ trợ các dự án theo 3 giai đoạn: tiền ươm tạo (hoàn thành ý tưởng khởi nghiệp), ươm tạo (hoàn thành sản phẩm/dịch vụ) và tăng tốc (mở rộng thị trường).
Trong đó, giai đoạn tiền ươm tạo tối đa 40 triệu đồng, giai đoạn ươm tạo tối đa 80 triệu đồng, giai đoạn tăng tốc tối đa 400 triệu đồng cho mỗi dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Như vậy, nếu một dự án được hỗ trợ cả 3 giai đoạn thì số tiền được hỗ trợ tối đa là 520 triệu đồng.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ - cơ quan soạn thảo - cho biết khoản kinh phí này không hỗ trợ trực tiếp cho dự án mà thông qua các Tổ chức Hỗ trợ khởi nghiệp (vườn ươm). Nội dung hỗ trợ gồm có thù lao cho cá nhân, nhóm cá nhân trực tiếp thực hiện dự án và chi phí thuê chuyên gia; chi phí sử dụng các dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.
Các dự án khởi nghiệp tại một cuộc thi sinh viên khởi nghiệp
Tiêu chí tuyển chọn dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo gồm: tính sáng tạo, năng lực tổ chức thực hiện, hiệu quả kinh tế hoặc tác động xã hội, thị trường tiềm năng, ứng dụng công nghệ, mô hình kinh doanh.
Theo TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đây là chính sách thí điểm thực hiện theo Nghị quyết 98 có hiệu lực trong 5 năm nên ban soạn thảo dựa vào tiềm năng, thế mạnh của TP HCM đề xuất 9 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trên, gồm: thương mại điện tử, công nghệ tài chính, logistics, công nghệ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, chuyển đổi số, an ninh mạng.
"Đây là nguồn hỗ trợ khởi nghiệp từ ngân sách nhà nước nên mang tính chất khích lệ; là vốn mồi, chất xúc tác để thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư cho lĩnh vực khởi nghiệp" - ông Nguyễn Việt Dũng nói thêm.
Nhiều kỳ vọng
Ông Nguyễn Văn Ngà, Ủy viên Ban Điều hành Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), đánh giá năm 2023, kinh tế khó khăn nhưng nhiều dự án khởi nghiệp lại nhìn ra những thị trường ngách tiềm năng và phát triển. "Với những doanh nghiệp (DN) lớn, việc chuyển mình khá khó khăn do bộ máy cũ nhưng DN khởi nghiệp chỉ cần tập trung nhóm sản phẩm thị trường đang cần" - ông Ngà dẫn chứng.
Ông Ngà cho rằng phong trào khởi nghiệp đang đi vào chiều sâu, không còn tự phát như trước. Ngay tại khối các trường học cũng có nhiều ý tưởng khởi nghiệp hay, từ đó hoàn thiện sản phẩm, thương mại hóa và bước đầu dự án sống được. Do đó, sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước sẽ giúp cho hoạt động khởi nghiệp bài bản và thu hái được thành công hơn.
Tuy nhiên, theo ông Ngà, ở giai đoạn tăng tốc, mức hỗ trợ 400 triệu đồng là quá thấp để một DN khởi nghiệp tăng quy mô.
Ông Đỗ Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo DN công nghệ - Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho hay trung tâm hiện có 12 dự án đang được ươm tạo tại đơn vị, chủ dự án là sinh viên, cựu sinh viên hoặc giảng viên tại đây. "Khi có thêm chính sách hỗ trợ, trung tâm sẽ thu hút thêm các dự án khởi nghiệp, mời được các chuyên gia giỏi để nâng chất lượng hoạt động ươm tạo" - ông Hồng kỳ vọng.
Ông Phạm Đình Anh Khôi, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo DN công nghệ - Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nhận xét chính sách này rất tốt và mong sớm được triển khai. "Bao nhiêu năm qua, các vườn ươm vẫn nỗ lực làm, nay có chính sách hỗ trợ sẽ thúc đẩy phát triển cộng đồng khởi nghiệp. Nếu được, có thể nới rộng thêm kinh phí hỗ trợ, tùy theo đặc thù từng dự án" - ông Khôi đề xuất.
Ông Võ Bửu Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy Mộc Việt (TP HCM) - vừa là DN khởi nghiệp vừa là nhà đầu tư thiên thần cho một số ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên, đánh giá sự hỗ trợ từ nhà nước rất cần thiết cho khởi nghiệp. Tuy vậy, điều quan trọng là chính sách hỗ trợ phải đơn giản, rõ ràng để cộng đồng khởi nghiệp dễ tiếp cận.
Miễn thuế 5 năm
Bên cạnh chính sách hỗ trợ không hoàn lại, theo Nghị quyết 98, cộng đồng khởi nghiệp TP HCM còn được hưởng nhóm chính sách về miễn thuế. Theo đó, miễn thuế thu nhập DN trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của DN khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn thành phố; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN của các cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào DN khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP HCM. Hiện chính sách này đang đợi Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết.
Bình luận (0)