Cà Mau có trên 250.000 ha nuôi cua biển với sản lượng hơn 25.000 tấn/năm, mang về nguồn thu trên 10.000 tỉ đồng cho tỉnh nằm ở cực Nam Tổ quốc. Loại đặc sản này được xếp vào mặt hàng chủ lực của Cà Mau, chỉ đứng sau con tôm.
Đứng đầu cả nước về chất lượng
Cua biển Cà Mau được nuôi dưỡng dưới tán rừng ngập mặn nên có thịt ngọt, gạch nhiều... và được đánh giá là ngon nhất cả nước. Nhiều thực khách không ngại chi số tiền lớn để tìm mua cua "made in" Cà Mau về thưởng thức.
Cua biển Cà Mau được nuôi dưỡng dưới tán rừng ngập mặn nên được đánh giá ngon nhất cả nước
Ông Nguyễn Văn Kiên (ngụ huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cho biết sau khi chuyển từ làm lúa sang nuôi tôm, ông và rất nhiều hộ dân đã nuôi kết hợp thêm cua biển trên cùng diện tích.
"Để giảm hao hụt, tôi dùng lưới mành bao quanh rồi thả cua giống vào nuôi và cho ăn khoảng 15 ngày. Sau đó, tôi thả cua ra vuông tôm. Như vậy, cua mạnh hơn và có thể tự bắt tép, cá nhỏ ăn rồi phát triển hoàn toàn dựa vào bản năng. Hằng năm, tôi thả khoảng 8.000 con cua giống trên diện tích hơn 3ha" – ông Kiên nói.
Từ khi thả nuôi cho đến thu hoạch, cua biển sẽ trải qua 6 lần lột xác, mỗi lần trọng lượng tăng từ 10-150 gram (tùy vào giai đoạn). "Tháng 6 âm lịch hằng năm, tôi mua cua giống về thả nuôi đến Tết thì thu hoạch với trọng lượng trên dưới 300 gram/con. Thời điểm này, người nuôi sẽ bán được giá cao" – ông Huỳnh Luyến (ngụ huyện Năm Căn) tiết lộ.
Hiệu quả kinh tế từ con cua mang lại cho hộ nuôi là rất lớn. Tuy nhiên, mặt hàng chủ lực của tỉnh Cà Mau đang đối diện với nhiều thách thức như: chưa có nhiều sản phẩm chế biến từ cua; bị mạo danh thương hiệu, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng...
Cua biển Cà Mau còn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc nên chỉ cần nước này có sự thay đổi trong việc thông quan thì ngay lập tức, giá cua trên thị trường tại Cà Mau sẽ giảm mạnh, thậm chí còn xảy ra tình trạng thương lái ngừng thu mua.
Nâng cao đời sống người dân
Để gỡ khó cho ngành cua, vào những ngày cuối năm 2022, Cà Mau đã tổ chức Ngày hội cua Cà Mau và hội thảo "Giải pháp phát triển bền vững nghề cua Cà Mau". Ngoài giới thiệu, quảng bá ngành hàng cua với du khách trong và ngoài nước, đây còn là dịp để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển nghề cua theo hướng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất và hiệu quả.
Tại đây, các chuyên gia đã hiến kế Cà Mau cần nghiên cứu tạo thêm nhiều hơn các sản phẩm từ cua để người tiêu dùng có sự lựa chọn đa dạng; kích cầu tiêu dùng nội địa; tìm thêm thị trường mới để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc...
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của hoạt động liên kết sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm; hướng đến xây dựng vùng nuôi quy mô lớn, truy xuất nguồn gốc gắn với liên kết chuỗi giá trị để phát triển hiệu quả và bền vững.
Cách chọn cua có thịt, gạch nhiều
"Muốn giải quyết được bài toán trên thì trước hết địa phương phải nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật để con cua có thể sống lâu khi vận chuyển đến các thị trường ở xa. Khi tìm kiếm được những thị trường lớn, giá cua biển Cà Mau sẽ ổn định, bán được giá cao... Từ đó, người dân có thể làm giàu trên quê hương" – một chuyên gia gợi ý.
Nông dân phấn khởi vì giá cua liên tục tăng cao sau Ngày hội cua Cà Mau
Sau Ngày hội cua Cà Mau, giá cua biển liên tục tăng. Vào những ngàyTết Quý Mão 2023, có thời điểm thương lái đến tận vuông thu mua cua gạch với giá trên 1 triệu đồng/kg. Nhờ có thêm nguồn thu khá dịp năm mới mà người dân vùng cực Nam Tổ quốc đón Tết sung túc hơn.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, đánh giá việc tổ chức thành công Ngày hội cua Cà Mau đã tạo được cú hích cho ngành du lịch, đồng thời góp phần nâng cao giá trị con cua thương phẩm, giúp hộ nuôi có lợi nhuận cao hơn.
Bình luận (0)