Ngày 30-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp giữa chủ 19 tàu vỏ thép ở địa phương được đóng mới theo Nghị định 67/CP bị hư hỏng với các đơn vị đóng tàu để bàn về việc bồi thường thiệt hại trong thời gian tàu vỏ thép nằm bờ chờ sửa chữa. Trong đó, 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở tỉnh Nam Định) đóng và 14 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở TP Hải Phòng) đóng.
Thế chấp tài sản để trả nợ
Tại cuộc họp, các chủ tàu đã yêu cầu 2 doanh nghiệp đóng tàu bồi thường thiệt hại với tổng số tiền gần 37 tỉ đồng, gồm: nợ gốc, lãi ngân hàng; khắc phục, sửa chữa sau khi nhận tàu; lỗ tổn phí, thuê thuyền viên do tàu hư hỏng khai thác không hiệu quả; thuê tàu lai dắt do bị hư hỏng trên biển; tổn thất lợi nhuận do tàu nằm bờ… Trong đó, riêng khoản nợ quá hạn ngân hàng gồm gốc và lãi của 17 chủ tàu đã chiếm tới 17,8 tỉ đồng. Trong tổng số tiền trên, Công ty Đại Nguyên Dương bị yêu cầu bồi thường khoảng 3,8 tỉ đồng, số còn lại là Công ty Nam Triệu.
Tàu vỏ thép của ngư dân Lê Văn Thãi bị hư hỏng nặng hơn trong lúc chờ sửa chữa
"Thời gian tàu hư hỏng nằm bờ, tôi phải thế chấp tất cả tài sản để trang trải nợ nần, cuộc sống cho gia đình. Giờ chỉ mong sao Công ty Nam Triệu bồi thường sớm để khắc phục thiệt hại và khôi phục lại kinh tế. Nếu không có khoản bồi thường này, gia đình tôi coi như trắng tay vì nợ nần" - ngư dân Nguyễn Công Quí (ngụ xã Cát Khánh, huyện Phù Cát; chủ tàu BĐ 99888 TS, yêu cầu bồi thường hơn 2,5 tỉ đồng) bức xúc.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Mẫn, quyền Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, cho biết vụ các tàu cá vỏ thép ở Bình Định hư hỏng cũng đã khiến đơn vị ông bị thiệt hại hơn 40 tỉ đồng chi phí sửa chữa, khắc phục. "Nếu những đề nghị hỗ trợ thiệt hại của ngư dân là chính đáng, chúng tôi sẽ ghi nhận. Chúng tôi sẽ làm việc với các chủ tàu để xem xét, bàn bạc, thống nhất việc bồi thường. Sau đó, báo cáo với cơ quan chủ quản là Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) để xin ý kiến" - ông Mẫn nói.
Còn ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương, lại cho rằng 5 tàu vỏ thép do doanh nghiệp này đóng chỉ bị hư hỏng phần thân vỏ. Việc sửa chữa, khắc phục tàu chậm so với tiến độ đã cam kết là do ngư dân làm đơn đề nghị kiểm tra tôn đóng vỏ tàu bị chậm và công ty phải chờ các văn bản đồng ý sửa chữa của các cơ quan chức năng... "Với những lỗi hư hỏng thân vỏ các tàu đó, chúng tôi chỉ sửa chữa trong 15 ngày là xong. Bởi vậy, việc sửa chữa chậm không phải do công ty nên chúng tôi sẽ không bồi thường" - ông Nguyên dứt khoát.
Trước một số ý kiến bất đồng giữa các ngư dân và đơn vị đóng tàu, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết trong ngày 1-12 sẽ có văn bản và danh sách về việc các chủ tàu vỏ thép hư hỏng yêu cầu bồi thường gửi đến 2 đơn vị đóng tàu. "Nếu sau 3 cuộc họp mà giữa 2 bên không thống nhất mức bồi thường thiệt hại thì tự đưa ra tòa án giải quyết. Vì đây là tranh chấp kinh tế, chính quyền không có quyền bắt buộc các đơn vị đóng tàu trả tiền bồi thường cho ngư dân được" - ông Hổ nói.
Tàu vẫn phải nằm bờ
Như đã nhiều lần thông tin, tháng 3-2017, sau khi hạ thủy chưa được bao lâu, 19 tàu vỏ thép ở Bình Định trị giá từ 15 tỉ đồng đến 20 tỉ đồng do 2 doanh nghiệp trên đóng bị hư hỏng nặng, không hoạt động được, khiến nhiều chủ tàu lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất. Sau đó, các cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc, yêu cầu 2 doanh nghiệp đóng tàu khẩn trương sửa chữa, khắc phục các tàu bị hư hỏng để ngư dân sớm vươn khơi, bám biển.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngư dân Lê Văn Thãi (ngụ xã Cát Khánh, huyện Phù Cát; chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS đóng tại Công ty Nam Triệu) vẫn lo lắng việc sửa chữa tàu của mình bởi nó đã được Công ty Nam Triệu đưa vào nhà máy đóng tàu ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa từ mấy tháng trước. Tuy nhiên, trong đợt bão số 12 vừa qua, phía nhà máy không đưa tàu lên đà mà để dưới nước nên khi bão tấn công, tàu bị va đập vào sà lan gây hư hỏng nặng. "Hơn 8 tháng nằm bờ do hư hỏng với 20 cuộc họp, tàu của tôi đến giờ vẫn chưa thể ra khơi, khó khăn ngày càng chồng chất. Giờ Công ty Nam Triệu không sửa chữa tàu đúng cam kết và đền bù thiệt hại thì tôi nhất định không nhận lại tàu" - ông Thãi quả quyết.
Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, đến thời điểm này, địa phương vẫn còn 10 tàu vỏ thép hư hỏng chưa được hạ thủy. Trong đó, 6 tàu do Công ty Nam Triệu đóng và 4 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng.
Giải thích về vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết thời gian gần đây, thời tiết miền Trung liên tục có mưa nên không bảo đảm điều kiện thực hiện sửa chữa, nhất là đối với công đoạn bắn cát làm sạch bề mặt và sơn vỏ nên dẫn đến chậm trễ. "Nếu thời tiết thuận lợi, chúng tôi sẽ hoàn thành và hạ thủy 2 tàu trong ngày 5-12, riêng 4 tàu còn lại dự kiến đến ngày 20-12 sẽ hạ thủy" - ông Mẫn khẳng định.
Về phía Công ty Đại Nguyên Dương, đại diện doanh nghiệp này cho biết đã sơn xong phần vỏ của 4 tàu cá và đang hoàn tất thủ tục cần thiết để hạ thủy. Dự kiến đến ngày 5-12 sẽ bàn giao toàn bộ tàu này cho ngư dân.
Tuy vậy, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, vẫn cho rằng tiến độ sửa chữa tàu vỏ thép hư hỏng của các đơn vị đóng tàu là quá chậm so với phương án và cam kết trước đó, làm ảnh hưởng đến các đơn vị có liên quan và ngư dân. "Vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc các đơn vị đóng tàu tranh thủ thời tiết nắng ráo, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, không để kéo dài thêm; đồng thời yêu cầu họ sớm bồi thường thiệt hại cho các chủ tàu" - ông Châu nói.
Bình luận (0)