Ghi nhận từ các hệ thống, tình hình xử lý, thực hiện các đơn hàng "đi chợ hộ" và online đã được cải thiện so với những ngày trước. Một số siêu thị cũng đã làm việc với các hãng xe công nghệ để mở thêm kênh vận chuyển hàng hóa đến người dân.
Bổ sung nhân lực
Theo các doanh nghiệp bán lẻ, tình hình cung ứng đang khá hơn nhưng đầu ra cho hàng hóa vẫn còn giảm mạnh so với trước ngày 23-8. Hệ thống Bách Hóa Xanh - một trong những chuỗi bán lẻ bị quá tải trầm trọng trong thời gian qua - cho biết tỉ lệ đáp ứng đơn hàng đã tăng nhẹ trong những ngày gần đây. Dù vậy, khâu giao hàng vẫn còn nhiều khó khăn do chỉ khoảng 15% số phường, xã Bách Hóa Xanh có cửa hàng và có thể bố trí được lực lượng giao hàng, còn lại đều do các cửa hàng xoay xở nên đơn hàng được giao chậm.
Lực lượng dân quân tự vệ đi chợ hộ cho người dân trên địa bàn phường 16, quận 8, TP HCM .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Để tháo gỡ các điểm nghẽn, hệ thống bán lẻ thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) đã tăng cường nhân sự tại các điểm sơ chế nông sản, thực phẩm lên gấp 4 lần so với trước đây. Ba đơn vị thuộc hệ thống bán lẻ của SATRA là Satramart siêu thị Sài Gòn, siêu thị Phạm Hùng và siêu thị Củ Chi tăng cường khoảng 10%-20% nhân lực sau khi được Sở Công Thương cấp thêm giấy đi đường. "Việc tăng cường nhân lực đã giúp Satramart siêu thị Sài Gòn nhận soạn và giao hàng hiệu quả hơn. Ngoài việc soạn đơn hàng cho các tổ "đi chợ hộ", các siêu thị của SATRA còn nhận giao hàng cho các tổ chức từ thiện với khá nhiều đơn hàng có giá trị cao" - đại diện Satrafoods cho biết.
Hiện Ban Giám đốc trung tâm điều hành chuỗi này vẫn tiếp tục làm việc với phòng kinh tế của các quận, huyện, TP Thủ Đức cập nhật các cửa hàng trên địa bàn để có thể đưa hàng hóa phục vụ cho người dân một cách nhanh nhất. Đặc biệt, hệ thống này đã đưa vào hoạt động thêm 16 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods tại huyện Hóc Môn, Nhà Bè và các quận Tân Phú, Phú Nhuận, 5, 6, 7, 8... Dự kiến, đến ngày 5-9 tới, chuỗi Satrafoods tiếp tục đưa vào thêm 7 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng trong chuỗi lên con số 111.
Hệ thống siêu thị Aeon nhìn nhận các khâu tổng hợp đơn hàng, chuẩn bị, giao hàng và thanh toán đều được cải thiện. Số nhân sự vận hành siêu thị và chuẩn bị đơn hàng tại các siêu thị đã được bổ sung theo chỉ đạo của UBND TP và Sở Công Thương. Hiện mỗi ngày, mỗi siêu thị thuộc hệ thống này tại TP HCM có thể chuẩn bị và giao hơn 2.000 combo, chưa kể các sản phẩm khác, do các đơn hàng được đại diện các khu vực tổng hợp và gửi đến siêu thị trước từ 1-2 ngày nên các khâu đều chủ động, tránh tình trạng tồn hàng, đồng thời bảo đảm sản phẩm luôn tươi mới.
Nhu cầu mua hàng online rất lớn
Ngoài kênh bán hàng trực tiếp, Aeon vừa mở lại hoạt động bán hàng online trên ứng dụng (app) Grabmart và NowFresh (ShopeeFood) để bán thực phẩm theo dạng combo. Ngay trong buổi sáng đầu tiên bán hàng qua app (sáng 1-9), một số thời điểm, Aeon Bình Tân bị quá tải đơn hàng, một phần do nhu cầu của người dân trong thời gian này rất lớn nhưng số lượng shipper giao hàng còn hạn chế hoặc không có shipper để vận chuyển.
Các hệ thống Co.oomart, Co.opXtra, Big C, Top Market, VinMart, VinMart+ cũng ghi nhận lượng đặt hàng online tăng mạnh từ ngày 30-8. Một số nhà bán lẻ đã làm việc với các hãng công nghệ để tính toán phương án hợp tác "đi chợ hộ" và vận chuyển hàng hóa. MM Mega Market đã phối hợp với Grab để cung ứng hàng hóa cho các đơn hàng "đi chợ hộ" của hãng này.
Đại diện Shopee chiều 1-9 cho hay ngay sau khi nhận được thông báo cho phép lực lượng giao hàng hoạt động với các điều kiện kèm theo, Shopee đã nhanh chóng phối hợp với các đối tác vận chuyển để tăng cường số lượng nhân viên giao hàng, bổ sung nhân sự tại các kho phân loại để hoàn tất sớm đơn hàng nhằm đẩy nhanh tiến độ giao hàng trong bối cảnh thành phố vẫn đang thực hiện giãn cách tại nhiều khu vực.
Trong khi đó, theo ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc Phát triển doanh nghiệp Tiki, sau khi shipper được phép hoạt động trở lại ở "vùng đỏ" và duy trì hoạt động tại "vùng xanh", Tiki mới tạm thời triển khai cho tài xế giao hàng tại TP Thủ Đức và các quận: 10, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú. Số lượng shipper của Tiki tham gia hoạt động trong giai đoạn này tại TP HCM là khoảng 400 người, bằng 10% so với bình thường. "Việc shipper đi test nhanh Covid-19 mỗi sáng diễn ra khá thuận lợi, hầu hết được tạo điều kiện để hoạt động. Tỉ lệ shipper đã tiêm vắc-xin cũng khá cao. Tuy vậy, chúng tôi chỉ thử nghiệm hoạt động trở lại ở phạm vi nhỏ nhằm giảm gây áp lực cho địa phương, cộng đồng trong việc phòng chống dịch" - ông Khánh nói.
Ông Khánh cũng cho hay sau giai đoạn thử nghiệm khoảng 2 tuần, Tiki sẽ xem xét tăng số lượng shipper hoạt động nhằm đẩy nhanh giải phóng đơn hàng cho khách. Nếu tình hình khả quan, có thể rút ngắn thời gian thử nghiệm đến ngày 7-9.
Phía ShopeeFood ghi nhận nhu cầu đặt hàng của người dùng tại TP HCM là rất lớn và sẽ tiếp tục hỗ trợ shipper cũng như người dùng nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, giao nhận hàng hóa thiết yếu trong giai đoạn thành phố áp dụng nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội. Do vậy, nền tảng này nỗ lực hỗ trợ tài xế hoạt động trở lại thông qua các gói hỗ trợ tài xế dương tính trong quá trình giao hàng, hỗ trợ khoản phạt vi phạm hành chính...
Trước đó, một số hãng xe công nghệ phản ánh tình trạng shipper không được ra khỏi nơi cư trú để hoạt động trở lại dù đã tiêm 1 mũi vắc-xin, một số trung tâm y tế phường từ chối xét nghiệm cho shipper hoặc xét nghiệm nhưng không cấp giấy chứng nhận. Do đó, số lượng tài xế tham gia hoạt động trở lại còn hạn chế.
22.124 shipper đăng ký hoạt động trở lại
Tại buổi họp báo của Tổ công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, đánh giá tình trạng quá tải, chậm trễ đơn hàng đang được khắc phục. TP HCM hiện có 22.124 shipper của 33 đơn vị trên địa bàn 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đăng ký hoạt động trở lại. Trong ngày 31-8 có 8.492 shipper phục vụ 164.332 đơn hàng. Sở Công Thương đã yêu cầu 21 quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát cung ứng hàng hóa khi phân bổ các cửa hàng, điểm bán, siêu thị. Trong trường hợp cửa hàng, siêu thị có dấu hiệu quá tải báo lại Sở Công Thương để có hướng điều chỉnh, phân bổ phù hợp.
"Vừa qua, quá tải hệ thống này chủ yếu nguồn lực lao động bị giới hạn. Trong đợt cấp giấy đi đường theo mẫu của Công an TP từ ngày 25-8, các hệ thống phân phối đăng ký khoảng 30.000 giấy đi đường cho nhân viên, sở đã phân bổ 24.000 giấy. Vừa rồi, TP cấp thêm cho ngành công thương 20.000 giấy đi đường, sở đã phân bổ 2.986 giấy cho nhân viên các hệ thống bán lẻ và đang rà soát để tiếp tục bổ sung" - ông Phương nói. Theo ông Phương, với việc tăng cường nhân viên tại các siêu thị, cửa hàng và sự trợ giúp của các shipper chuyên nghiệp, các siêu thị, cửa hàng có thể mở rộng phạm vi cung ứng và đưa hàng đến nhiều người tiêu dùng hơn.
H.Yến
Bình luận (0)