Tại tọa đàm “Giá cước vận tải và quyền lợi người tiêu dùng” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) tổ chức ngày 8-9 tại TP HCM, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng giá cước vận tải đã theo cơ chế thị trường nhưng không phải doanh nghiệp (DN) muốn làm gì thì làm. Nếu làm chưa đúng, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải phải có công văn nhắc nhở, can thiệp bằng biện pháp hành chính theo quy định để bình ổn thị trường.
Điệp khúc tăng nhanh, giảm… nhỏ giọt
Chi phí nhiên liệu hiện chiếm khoảng 25%-35% trong giá thành cước vận tải ô tô đối với phương tiện dùng xăng và khoảng 35%-45% đối với phương tiện dùng dầu. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu có 4 lần tăng, 8 lần giảm (trong đó 1 lần chỉ giảm giá dầu) đã tác động mạnh đến cước vận tải. Có điều khi giá xăng dầu tăng, các DN vận tải liền tăng cước cho phù hợp nhưng ngược lại, khi giá xăng dầu giảm, một số DN viện dẫn nhiều lý do để không hạ giá.
Theo phân tích của ông Nguyễn Tiến Thỏa, trong 2 tháng gần đây (tính từ ngày 4-7), giá xăng dầu đã giảm 5 lần, cụ thể giá xăng A92 giảm 3.380 đồng/lít và giá dầu diesel giảm 2.760 đồng/lít. Tính chung, giá xăng dầu đã giảm khoảng 16,3%, trong khi các yếu tố khác cấu thành giá không tăng như khấu hao, tiền lương… thì cước vận tải có cơ sở giảm. Đối với xe chạy xăng, cước vận tải có thể giảm từ 4,1%-5,7% tùy loại. Ở Hà Nội, nếu cước taxi khoảng 11.000-12.000 đồng/km sẽ giảm được 448-685 đồng/km. Hay TP HCM, cước taxi khoảng 14.500-15.500 đồng/km thì có thể giảm được từ 591-884 đồng/km. Đối với xe chạy dầu, chi phí nhiên liệu chiếm cao hơn nên cước cũng sẽ giảm được nhiều hơn, từ 6%-7,75%.
Một điểm đáng lưu ý, cước taxi ở Việt Nam hiện cao hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực. Cước taxi trung bình ở Bangkok - Thái Lan là 3.800 đồng/km, Manila - Philippines 5.700 đồng/km, Jakarta - Indonesia 6.300 đồng/km và ngay cả Singapore, quốc gia nổi tiếng đắt đỏ cũng chỉ 8.700 đồng/km. Cước taxi ở Hà Nội cao hơn các thành phố khác trong khu vực từ 26,4%-60% và TP HCM cao hơn tới 66,7%-78,2%.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký VINASTA, cho rằng cách giải thích của DN cho việc chây ì giảm giá cước như việc cài lại đồng hồ phức tạp, tốn kém, bổ sung dịch vụ để bù vào, cần chờ đúng quy trình thời gian để tính toán… là không thuyết phục. Bởi khi tăng cước, việc cài lại đồng hồ luôn kịp thời, chứ không phức tạp, tốn kém hay sao? Người tiêu dùng Việt Nam đang phải chịu thiệt hại không nhỏ từ mức cước vận tải quá cao hiện nay. “Với hàng triệu người sử dụng dịch vụ vận tải, số tiền thiệt hại do cước không giảm sẽ chuyển thành lợi nhuận cho DN. Phải chăng đây là nguyên nhân hàng đầu của nghịch lý trên?” - ông Hùng đặt vấn đề.
Bắt tay giữ giá?
Cước vận tải “chây ì” không giảm theo giá xăng dầu là chuyện không mới nhưng là hiện tượng không bình thường. Bởi cước vận tải là một trong những chi phí đầu vào của sản xuất và kinh doanh, giá cả các loại hàng hóa liên quan cũng viện cớ này để “giậm chân tại chỗ”. Ông Nguyễn Mạnh Hùng băn khoăn liệu vấn đề lợi ích cục bộ có phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất cập cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Tiêu biểu là sau 14 lần giảm, từ tháng 7-2014 đến 1-2015, giá xăng dầu giảm tới 39% nhưng cước vận tải chỉ giảm nhỏ giọt. Phải đến khi dư luận dồn dập lên tiếng và cơ quan chức năng vào cuộc, cước vận tải mới chịu giảm. “Cơ quan nhà nước đã vào cuộc khá quyết liệt nhưng hiện tượng lặp đi lặp lại trong chuyện giá xăng, giá cước cho thấy biện pháp can thiệp hành chính là chưa đủ và người tiêu dùng vẫn bị thiệt hại. Không loại trừ khả năng bắt tay làm giá giữa các DN nên rất cần sự can thiệp của nhà nước bằng biện pháp mạnh hơn” - ông Hùng đề xuất.
Ông Thỏa cho rằng nếu DN không kê khai lại giá thì phải xử phạt hành chính theo quy định trong lĩnh vực quản lý giá, phí. Phải thúc đẩy cạnh tranh trong ngành về giá và chất lượng vận tải. Người tiêu dùng cũng phải tự bảo vệ mình hoặc có thể tẩy chay DN nào không chịu giảm cước. Cơ quan quản lý cần công khai những DN làm tốt và cả những DN chây ì không giảm giá để người tiêu dùng lựa chọn.
Ngoài ra, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, gần đây nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải đã tận dụng công nghệ thông tin để giảm giá thành, giảm chi phí tiếp cận khách hàng như Uber, GrabTaxi… Do đó, DN không nên chỉ trông chờ vào giảm giá xăng dầu để có cơ sở giảm cước mà nên đổi mới công nghệ trong quản lý.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa ký quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra trên toàn quốc về công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết cước vận tải. Việc thanh tra sẽ phải hoàn thành trước ngày 20-10.
TP HCM yêu cầu DN kê khai lại giá cước
Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban Vật giá Sở Tài chính TP HCM, cho biết không như nhiều đại biểu nhận định tại tọa đàm, TP HCM luôn là địa phương đi đầu trong việc đôn đốc, nhắc nhở các DN vận tải giảm cước. Sau khi Sở Tài chính TP yêu cầu DN vận tải kê khai lại cước, đã có 2 hãng taxi trên địa bàn thông báo sẽ giảm 500 đồng/km. Ngày 11-9 tới là hạn chót cho những DN chưa kê khai, sau đó sở sẽ kiểm tra và xử phạt nghiêm.
Bình luận (0)