Tổng cục Hải quan đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn vụ việc có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với mặt hàng nhôm tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), cho biết tại cuộc họp với cơ quan liên ngành ngày 28-10. Theo ông Cẩn, đây là vụ việc có nguy cơ gian lận xuất xứ lớn nhất từ trước đến nay.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết nếu nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, trong khi nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%. Do đó, các doanh nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhập khẩu mặt hàng nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm với trị giá lên tới hàng tỉ USD.
Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết hải quan Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với phía Mỹ để làm rõ vụ lô hàng nhôm trị giá 4,3 tỉ USD có dấu hiệu giả mạo xuất xứ
Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan khác kiểm tra, xác định và ngăn chặn kịp thời, nên số nhôm này chưa thể xuất khẩu.
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, cơ quan này đã phối hợp với Hải quan Mỹ xác minh, làm rõ về vụ việc nhập khẩu nhôm với giá trị rất lớn như trên. Đáng chú ý, các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra.
Theo báo cáo của Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu, số lượng nhôm tồn lên đến 1,8 triệu tấn với trị giá khoảng hơn 4 tỉ USD.
Lực lượng Hải quan Việt Nam - Mỹ đã trao đổi, dù doanh nghiệp dùng cả thủ đoạn nhập khẩu nhôm thanh, nhôm thỏi thành phẩm để đưa vào lò nấu rồi cán ra thành nhôm thanh nhưng cũng đều không được chấp nhận do không đủ hàm lượng quy định xuất xứ để gắn C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa) Việt Nam hưởng ưu đãi.
Bên cạnh đó, lực lượng hải quan cũng đã phát hiên, ngăn chặn nhiều vụ việc có dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa. Đáng chú ý là lô hàng 10 container xe đạp đang được tạm giữ tại Bình Dương.
Đối với lô hàng này, qua kiểm tra thực tế cho thấy toàn bộ xe đạp nhập khẩu từ nước ngoài, gắn nhãn mác cũng được dán từ nước ngoài, sau đó đưa về lắp ráp lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.
Trước những vụ việc được phát hiện, lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhận định tình hình vi phạm xuất xứ hàng hóa đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh chiến thương mại đang có những căng thẳng nhất định.
Cơ quan hải quan đề nghị các bộ ngành liên quan cùng phối hợp chặt chẽ để chống gian lận xuất xứ, kịp thời phát hiện các vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bình luận (0)