Thời gian qua, lực lượng hải quan liên tiếp phát hiện các vụ việc hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ "Made in Vietnam" để lừa người tiêu dùng. Bên cạnh đó, còn có các thủ đoạn gian lận xuất xứ hàng hóa (C/O) của Việt Nam để được ưu đãi thuế.
15 nhóm mặt hàng nguy cơ gian lận C/O
Ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan - Tổng cục Hải quan, cho biết 15 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo C/O cao, trong đó đáng cảnh báo là dệt may, da giày và túi xách; máy vi tính; điện tử và linh kiện; điện gia dụng và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; gỗ và các sản phẩm gỗ.
Trên đây là những loại hàng hóa mà Mỹ đang giám sát đặc biệt ở Trung Quốc, trong đó 6/15 nhóm hàng bị Mỹ đánh thuế cao vào thị trường nước này. Còn tại Việt Nam, các mặt hàng trên có kim ngạch xuất nhập khẩu cao. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu hải quan các địa phương thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra, giám sát hàng hóa có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Lực lượng Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên dùng chó nghiệp vụ trong chống hàng lậu
Ông Võ Trí Tâm, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Phước, nhìn nhận: "Địa bàn tỉnh rất phức tạp do có đường biên giới giáp Campuchia khá dài với gần 260 km; giáp tỉnh Bình Dương, TP HCM với nhiều KCN nên tiềm ẩn nguy cơ về gian lận thương mại qua hàng quá cảnh, tạm nhập tái xuất. Khi các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA được ký kết, lực lượng hải quan đã nhận diện việc doanh nghiệp lợi dụng tạm nhập tái xuất, giả mạo xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan. Vì vậy, đơn vị đã triển khai quản lý rủi ro, đánh giá các nhóm hàng có nguy cơ gian lận C/O cao để có phương thức ngăn chặn". Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Trần Thị Uyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước ,cho rằng địa bàn huyện có nhiều KCN nên việc ngăn chặn gian lận C/O được chi cục đặc biệt quan tâm bởi có nhiều nhóm mặt hàng xuất nhập khẩu tiềm ẩn nguy cơ gian lận như gỗ và sản phẩm từ gỗ. Lực lượng hải quan sẽ kiểm tra chặt chẽ việc khai báo mã HS cho mặt hàng nhập khẩu của doanh nghiệp, không để các đối tượng cố tình khai báo sai mã HS của nguyên liệu nhập khẩu để làm căn cứ xác định C/O hàng hóa xuất khẩu tại các đơn vị cấp C/O.
Buôn lậu ngày càng tinh vi
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) mới đây đã chỉ rõ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động. Đặc biệt, nổi lên tình trạng vận chuyển ma túy, buôn bán hàng hóa sản xuất từ bên ngoài nhưng gắn nhãn mác "Made in Vietnam".
Ông Trần Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh An Giang, nhận định trên địa bàn tỉnh, đường cát được nhiều đối tượng nhập về từ Thái Lan đã có sẵn bao bì, nhãn mác "Made in Vietnam". Các đối tượng buôn lậu đã tập kết đường và sử dụng bao bì của Việt Nam để "tuồn" hàng về, sau đó hợp thức hóa bằng hóa đơn của các công ty mía đường trong nước. "Các đối tượng sử dụng phương tiện là xuồng máy công suất lớn để vận chuyển hàng về từ biên giới Campuchia. Khi lực lượng chức năng truy bắt, các đối tượng sẵn sàng nhận chìm hàng để thoát thân" - ông Hoàn cho hay.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại tỉnh An Giang, khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương có sông Tiền rộng, kênh rạch chằng chịt là điều kiện thuận lợi để các đối tượng vận chuyển hàng lậu. Với mặt sông rộng, lượng tàu bè qua lại nhiều, đặc biệt tàu khai thác cát hoạt động thường xuyên, khiến phương tiện của lực lượng Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương khó truy đuổi buôn lậu trên sông. Trong khi đó, dọc khu vực Trạm Kiểm soát liên hợp cửa khẩu Vĩnh Xương có 68 hộ dân sinh sống và tự phát mở nhiều đường mòn qua lại. Khi thấy lực lượng hải quan tại các đường mòn này, nhiều nhóm đối tượng buôn lậu lập tức quay đầu xe tìm hướng đi khác. Ông Dương Sen Hải, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương, cho biết có 7 đường mòn dọc khu vực trạm kiểm soát, người dân Campuchia và Việt Nam hằng ngày vẫn qua lại nên các đối tượng buôn lậu lợi dụng, thuê mướn vận chuyển hàng lậu với các mặt hàng như đường cát, thuốc lá… Tại khu vực cửa khẩu Tịnh Biên, lực lượng hải quan đã trang bị chó nghiệp vụ để kiểm tra, kiểm soát chặt các nhóm hàng vận chuyển, hành lý của khách xuất nhập cảnh và cư dân biên giới xuất nhập biên. Theo ông Huỳnh Ngọc Hồ, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên, lực lượng hải quan luôn theo dõi lịch trình của các xe liên vận Việt Nam - Campuchia chở khách du lịch để giám sát và kiểm soát chặt chẽ những phương tiện này, đặc biệt là hành lý của hành khách để tránh xuất nhập lậu tiền tệ, kim loại quý, hàng cấm.
Điều tra các đường dây vi phạm
Ban Chỉ đạo 389 vừa yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các cấp phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường điều tra, ngăn chặn, triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, C/O Việt Nam.
Bình luận (0)