Ngày 21-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) đã đề cập đến việc thời gian qua có thông tin cho rằng một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rút khỏi Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thảo luận tại tổ
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao khẳng định không có việc các doanh nghiệp FDI rút khỏi Việt Nam. Ông Bùi Thanh Sơn cho biết cơ quan này đã trao đổi với một số doanh nghiệp lớn như Adidas, Apple... và được doanh nghiệp phản hồi Việt Nam thời gian qua đã giãn cách xã hội trong một thời gian tương đối dài, nên một số đơn hàng không đáp ứng được. "Do đó họ phải chuyển một số đơn đặt hàng đi, tuy nhiên hiện cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang phục hồi và còn tiếp tục mở rộng"- Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết thêm các tập đoàn lớn như Foxconn, Apple, Intel… đang muốn mở rộng sản xuất tiếp. Các doanh nghiệp FDI đều nhận thấy tiềm năng lớn của Việt Nam, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế. Bộ trưởng lưu ý chương trình phục hồi kinh tế cần tiếp cận cả 2 hướng cung và cầu. Theo ông, kinh nghiệm các nước cho thấy cần có những biện pháp tài khóa để kích thích tổng cầu.
Tham gia thảo luận tại tổ sáng cùng ngày, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường (đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương) đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Uỷ ban. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, bên cạnh những kết quả đạt được, trong lĩnh vực phòng chống dịch, báo cáo đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại như công tác phòng chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ông Bùi Văn Cường cho rằng Chính phủ đã đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp căn cơ. Tuy nhiên, cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm thay vì dàn đều các nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, cần có tiêu chí xác lập trạng thái bình thường như thế nào để các địa phương cùng áp dụng giúp cho giao thương, đi lại của người dân thuận lợi. Các địa phương có thể ban hành các quy định phù hợp nhưng không vi phạm các tiêu chí về bình thường mới.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (đoàn đại biểu Quốc hội Tây Ninh) cho rằng cần quan tâm duy trì phù hợp hoạt động sản xuất kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, an toàn dịch bệnh; hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động.
Vị đại biểu lưu ý cần đặc biệt chú trọng phát huy thế mạnh của nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay với tư cách là bệ đỡ của nền kinh tế, góp phần lớn trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Tây Ninh đề nghị cần đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có các chính sách hiệu quả trong thu hút đầu tư nước ngoài. "Tăng cường các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, để đáp ứng cho nhu cầu việc làm của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế"- ông Tiến kiến nghị.
Bình luận (0)