Sáng 1-11, Quốc hội (QH) tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, kế hoạch thực hiện năm 2018.
Đại biểu (ĐB) Lê Công Nhường (Bình Định) góp ý môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế do điều kiện kinh doanh, giấy phép con còn làm khó doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra gây phiền hà cho doanh nghiệp khi các cuộc khảo sát cho thấy nhiều địa phương chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm theo Nghị quyết 35 của Chính phủ. Việc doanh nghiệp mỗi năm tiếp 6-7 đoàn kiểm tra, chưa kể thanh tra kiểm tra không chính thức liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý thị trường, y tế, đo lường… là một thực tế phổ biến. "Doanh nghiệp cũng cho rằng rằng các cuộc kiểm tra có trùng lắp, chồng chéo. Đúng như có ý kiến từng nói: Chính phủ ngày càng kiến tạo, đội ngũ thực thi hành ngày càng bạo"- ĐB Nhường bức xúc.
Đại biểu Lê Công Nhường - Ảnh: Nguyễn Nam
ĐB Nhường cũng nêu ý kiến liên quan đến việc trường Đại học FPT dự kiến thu học phí sinh viên nước ngoài bằng đồng tiền ảo bitcoin và bị Ngân hàng nhà nước "tuýt còi".
Theo ĐB tỉnh Bình Định, bitcoin và tiền điện tử đang trở thành chủ đề rất nóng trong giới tài chính nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Ông cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để xử lý và quản lý các loại tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử.
"Tôi mong Chính phủ tìm lời giải sớm trong bối cảnh hoạt động mua bán đang diễn ra nhộn nhịp. Một số nước công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán như Nhật Bản, Phần Lan"- ông Nhường kiến nghị.
Ông cũng kiến nghị Chính phủ chấp nhận cho Đại học FPT triển khai thí điểm thu học phí bằng bitcoin đối với sinh viên nước ngoài trong một thời gian nhất định để giúp xây dựng đề án nói trên của Thủ tướng một cách tốt hơn.
Trước đó, chiều 27-10, trường Đại học FPT đã có thông báo chính thức cho rằng trường mong muốn thử nghiệm bằng cách chấp nhận cho sinh viên nước ngoài sử dụng bitcoin như một phương tiện thanh toán học phí cho trường.
Tuy nhiên, ngày 28-10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết theo khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 150 - 200 triệu đồng.
Đồng thời, từ 1-1-2018, việc hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Nói về tính pháp lý của đồng tiền kỹ thuật số bitcoin, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho rằng Ngân hàng Nhà nước bảo lưu quan điểm bitcoin không phải là tiền tệ theo quy định của pháp luật và cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng nghiêm cấm các tổ chức tín dụng sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán, cung cấp các sản phẩm dịch vụ liên quan đến đồng tiền kỹ thuật số.
Bình luận (0)