Bitcoin nói riêng và tiền điện tử nói chung đang bùng nổ trên toàn thế giới. Sức hút của nó tăng cao khi giá trị quy đổi mỗi Bitcoin có thời điểm vượt ngưỡng 6.000 USD (22/10/2017). Trong khi vào năm 2010, giao dịch đầu tiên với tiền điện tử này được thực hiện khi một lập trình viên đổi 10.000 Bitcoin lấy hai chiếc bánh pizza trị giá 25 USD.
Bitcoin mua được những gì?
Số lượng công ty và quốc gia chấp nhận Bitcoin ngày càng nhiều, cho phép người sở hữu nó có thể thanh toán hoặc trao đổi trên hầu khắp thế giới. Nếu bạn thích du lịch, công ty hàng đầu trong lĩnh vực này là Expedia (sở hữu Expedia.com, Hotels.com, Trivago, Hotwire...) đã cho phép đặt phòng tại hơn 400.000 khách sạn và nơi ở tại hơn 70 quốc gia.
Thông báo chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin bên ngoài một cửa hàng. Ảnh: Deseretnews.
CheapAir hay TravelForCoins sẽ lo vé máy bay cho bạn và chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán. Việc trả tiền ăn uống thông qua Bitcoin cũng xuất hiện tại một số nhà hàng như Pembury Tavern, Burger Bear của Anh, quán rượu Old Fitzroy ở Australia hay The Pink Cow của Nhật Bản.
Các công ty công nghệ hưởng ứng nhiệt tình với loại tiền điện tử này. Từ cuối 2014, Microsoft đã cho phép khách hàng chuyển Bitcoin sang USD để thanh toán các trò chơi, ứng dụng. Hãng máy tính Dell cũng chấp nhận Bitcoin cho một số giao dịch trực tuyến. Tham gia vào lĩnh vực còn có những tên tuổi như PayPal, Steam, Overstock, Virgin Galactic, OkCupid, Namecheap...
Không chỉ với các mặt hàng giá trị nhỏ và trung bình, một đại lý ôtô tại Mỹ cũng đã chấp nhận giao dịch bằng Bitcoin, trong đó xe điện Tesla Model S (giá khoảng 100.000 USD) và siêu xe thể thao Lamborghini Gallardo (giá hơn 200.000 USD) đã được thanh toán thành công bằng tiền điện tử.
Tháng 9/2017, một dự án bất động sản trị giá 325 triệu USD được mở bán ở Dubai và chấp nhận thanh toán trực tiếp bằng Bitcoin. Theo chủ đầu tư, tiền điện tử sẽ hâm nóng thị trường bất động sản bởi vậy hình thức thanh toán này sẽ là bước đi đột phá và nở rộ trong tương lai.
Thế giới đánh giá về Bitcoin
Những người đầu tư và sở hữu Bitcoin tin rằng nó là vàng trong thời đại công nghệ thông tin. Ngoài một số đặc tính như tiền pháp định (tiền được phát hành bởi chính phủ), Bitcoin được tuyên bố có số lượng giới hạn nên tránh được lạm phát (do không thể in thêm như tiền), không thể tự tạo ra và không bị làm giả, có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi.Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có đánh giá khác nhau về Bitcoin. Tại Mỹ, nó được coi là một dạng tài sản ảo thay vì tiền tệ chính thống. Bởi vậy, giao dịch sử dụng Bitcoin sẽ chịu thuế, người "đào" hay dùng Bitcoin để chi trả thù lao, lương thưởng cũng nằm trong khung tính thuế.
Trong khi đó khối Liên minh châu Âu (EU) nhìn nhận Bitcoin là một dạng tiền tệ, không phải tài sản. Anh lại coi Bitcoin là một loại ngoại tệ, chịu sự quản lý như quy định với ngoại tệ. Bitcoin được công nhận là một hình thức thanh toán tại Nhật Bản và việc trao đổi Bitcoin tại quốc gia này không bị tính thuế.
Bitcoin tại Việt Nam
Một máy cho phép đổi trực tiếp VNĐ sang Bitcoin và ngược lại ở TP HCM. Ảnh: Genk.
Vài cửa hàng hay doanh nghiệp Việt Nam đã cho phép thanh toán bằng Bitcoin. Một cửa hàng ôtô ở Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) hỗ trợ khách hàng chi trả trực tiếp thông qua tiền điện tử. Hay một quán cà phê trên đường Võ Văn Kiệt (TP HCM) cũng chấp nhận người dùng thanh toán với Bitcoin. Từ năm 2016, chiếc máy tương tự ATM nhưng giao dịch Bitcoin đã xuất hiện ở TP HCM.
Mới nhất, Đại học FPT trở thành trường đầu tiên ở Việt Nam công bố chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng Bitcoin. Trước mắt, hình thức này sẽ áp dụng cho sinh viên ngoại. Đầu tiên sinh viên dùng Bitcoin để chuyển tiền sang Việt Nam, sau đó có thể đổi từ Bitcoin sang tiền mặt để nộp cho trường.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước từ năm 2013 đã khẳng định Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự không phải tiền tệ hợp pháp và không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo về các rủi ro như bị tấn công, đánh cắp và lừa đảo khi giao dịch bằng tiền điện tử.
Bình luận (0)