Nhà đầu tư lo sợ cắt lỗ rất mạnh tay trên toàn thị trường, không riêng gì các cổ phiếu liên quan đến TPP.
Kết thúc ngày giao dịch 3-8, VN-Index giảm 11,59 điểm (-1,87%), xuống 609,47 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng giảm 1,82 điểm (-2,13%), xuống 83,31 điểm.
Tại sàn HoSE ghi nhận có tới 174 mã cổ phiếu giảm giá và chỉ vỏn vẹn 48 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 129,8 triệu đơn vị, trị giá 2.707 tỉ đồng. Sàn Hà Nội (HNX) cũng chỉ có 48 mã cổ phiếu tăng giá, trong khi có tới 146 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch sàn này đạt 54 triệu đơn vị, giá trị 601,56 tỉ đồng.
Các mã cổ phiếu dệt may, thủy sản được cho là sẽ hưởng lợi nếu TPP được ký kết đã rớt giá thê thảm trong phiên này như: TCM, TNG, HVG, KMR… áp lực bán mạnh nhưng người mua rất ít. Trước đó, những cổ phiếu này được nhà đầu tư kỳ vọng rất lớn, khiến giá tăng vọt.
Các cổ phiếu không giúp cho thị trường trụ vững, trái lại cũng chịu áp lực bán rất lớn và trở thành tác nhân chính khiến VN-Index lẫn HNX-Index rớt điểm mạnh. Điển hình như BVH giảm sàn (3.600 đồng); MSN tăng nhẹ ở buổi sáng nhưng đến chiều cũng giảm 1.000 đồng/CP; VCB mất 2.000 đồng/CP, REE giảm 1.100 đồng/CP; các mã VNM, SSI, CSM, DPM… cùng có mức giảm quanh mức 1.000 đồng/CP.
Diễn biến tăng lẻ loi hay đứng giá ở một vài cổ phiếu như CII, HPG, EIB, STB, VIC không cứu vãng được thị trường vì áp lực bán quá mạnh. Một số môi giới cho rằng không loại trừ khả năng các công ty chứng khoán cắt margin khiến giá cổ phiếu đồng loạt lao dốc. Điều này lý giải vì sao có thời điểm VN-Index sụt giảm đến 15 điểm.
Điểm sáng của phiên giao dịch đầu tháng 8 là nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng nhẹ trên HoSE với khối lượng mua ròng 172.600 cổ phiếu, giá trị 29,7 tỉ đồng. Trong khi đó trên sàn HNX, khối này giá trị bán ròng hơn 11,3 tỉ đồng, chủ yếu nhắm vào các mã PVS với 500.000 cổ phiếu, giá trị 12,4 tỉ đồng trong phiên thỏa thuận.
Bình luận (0)