Anh V. Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng khi toàn bộ khoản tiết kiệm 200 triệu đồng gửi vào sàn Bitconnect đã "không cánh mà bay" chỉ sau một đêm.
Sau khi sàn tiền ảo Bitconnect gần như sập hoàn toàn, đóng cửa các mảng hoạt động chính như cho vay lãi suất cao (lending) hay giao dịch (exchange), tất cả những gì nhà đầu tư nhận về là đền bù dưới dạng đồng tiền ảo BCCoin do sàn này phát hành.
Nhà đầu tư Việt ngậm trái đắng sau một đêm
Tuy nhiên, sau đó đồng tiền ảo với mã BCC đã mất hơn 90% giá trị chỉ sau một đêm do làn sóng bán tháo cắt lỗ của các nhà đầu tư, khiến tài sản của nhiều người "chơi" Bitconnect bốc hơi chỉ sau ít giờ.
Những gói đầu tư béo bở mà Bitconnect đưa ra cho các nhà đầu tư với cam kết lãi tới gần 40% một tháng. Ảnh: Bitconnect.
"Sau khi nhận đền bù từ sàn, mình bán vội hy vọng cắt lỗ, tuy nhiên 200 triệu đồng gửi vào nay chỉ thu về được 30 triệu, đến giờ mình vẫn chưa thể tin được đó là sự thật", anh V. Anh chia sẻ.
Cũng giống như anh V. Anh, không ít nhà đầu tư Việt Nam tham gia sàn Bitconnect đều mất gần như hoàn toàn sau ngày sàn này "sập".
"Sau một lần gửi nhỏ và nhận lãi thành công, mình bắt đầu tin tưởng sàn này và gửi lần hai với gói đầu tư khoảng hơn 8.000 USD. Đây là toàn bộ tiền tiết kiệm trong hai năm của mình, tuy nhiên khi chỉ một tháng nữa là đến ngày nhận lại tiền thì sàn sập khiến mình gần như trắng tay", anh H. Tú (Nam Định) kể lại.
Anh Tú cho hay anh được một người bạn thân giới thiệu "chơi" loại hình này với miêu tả "giống hệt gửi ngân hàng nhưng kỳ hạn ngắn và lãi cao hơn rất nhiều". Sau lần đầu gửi thử 400 USD và nhận được lãi thật, anh Tú quyết định đầu tư lớn.
"Đến khi sàn "sập", tất cả những gì mình nhận được lại là 22 đồng BCC, mình có đem bán vội để cắt lỗ nhưng nhận về chỉ được khoảng hơn 400 USD, bằng 1/20 khoản tiền trước đó đầu tư vào", nhà đầu tư này chia sẻ.
"Mình cũng có nghe nói sàn này giống đa cấp biến tướng nhưng không tin vì nghĩ họ là công ty toàn cầu có uy tín, nhiều người mình biết cũng tham gia nên chủ quan", anh nói thêm.
Còn theo một nhóm nhà đầu tư theo hình thức góp tiền chung để nhanh rút lãi và hưởng lãi suất tốt hơn, 600 triệu đồng của cả nhóm 4 người góp vào đã bay hơi dù cả nhóm rất khẩn trương bán cắt lỗ.
"Ngay khi biết tin cả nhóm đã canh bán hơn 80 BCCoin nhận về nhưng không thể bán được nhanh gì giá liên tục giảm, cuối cùng khi chốt lỗ thì chỉ còn 'cứu' được 38 triệu đồng, 4 anh em gần như mất trắng", nhóm này cho hay.
Đại diện nhóm nhà đầu tư này cũng nhận định hình thức "chơi" chung này không hiếm và nhiều nhóm thậm chí còn góp chung tới vài tỷ đồng.
Hoạt động của Bitconnect đã nhiều lần bị cáo buộc là mô hình đa cấp biến tướng, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn mạnh tay đổ tiền vào sàn này. Ảnh: Medium.
Tiền ảo Bitconnect phát hành giảm từ 200 USD về 20 USD
Ngày 17/1, sàn Bitconnect đã thông báo ngừng giai đoạn cho vay tiền ảo (lending) và mảng giao dịch (exchange). Đồng tiền ảo của sàn này phát hành với mã BCC cũng đã mất giá hơn 90% ngay sau đó.
Giá mỗi BCC đã giảm từ hơn 200 USD một đơn vị xuống còn hơn 20 USD chỉ trong 4 giờ đồng hồ, khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay và mất trắng.
Cú sốc Bitconnect đã ảnh hưởng không nhỏ tới cộng đồng đầu tư tiền thuật toán, đặc biệt là những nhà đầu tư đang tham gia các hoạt động cho sàn vay với lãi suất cao tương tự như mô hình Bitconnect đã áp dụng. Nhiều nhà đầu tư đang "chơi" loại hình này trên các sàn khác cũng đang vô cùng hoang mang.
"Nhiều anh em trong hội nhóm cùng chơi Bitconnect trên mạng xã hội có nửa đùa nửa thật rằng đêm qua nhiều người chắc phải tự vẫn vì sàn sập. Với mình thì mất 200 triệu đồng đúng là trải nghiệm nhớ đời và phải rất lâu nữa mình mới kiếm được lại số tiền này, tuy nhiên mình nghĩ anh em không nên vì trắng tay mà làm điều dại dột", anh V. Anh ngậm ngùi.
Trước khi sàn Bitconnect "sập", chính quyền 2 bang của Mỹ là Texas và North Carolina cũng đã có cảnh báo tới công dân bang về nguy cơ khi đầu tư trên sàn Bitconnect và chỉ đích danh sàn này đang hoạt động theo mô mình Ponzi, hay còn gọi là đa cấp biến tướng.
Tiền mã hóa
Tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo", là một tài sản kỹ thuật số được thiết kế làm phương tiện trao đổi sử dụng cơ chế mã hóa để đảm bảo các giao dịch, kiểm soát việc tạo ra các đơn vị bổ sung và xác minh việc chuyển giao tài sản. Tiền mã hóa được phân loại như là một tập con của các loại tiền tệ kỹ thuật số.
Bạn có biết: Bitcoin là tiền mã hóa phân tán đầu tiên được tạo ra vào năm 2009 và kể từ đó rất nhiều đơn vị tiền mã hóa tương tự khác được tạo ra. Các đơn vị tiền tệ này sử dụng hệ thống quản lý phi tập trung thay vì các hệ thống trung tâm như các đơn vị tiền tệ điện tử và ngân hàng khác.
Bình luận (0)