Ông Phạm Văn Yển (ngụ xã Phú Thuận A) là một trong các hộ nuôi cá bị chết trong những ngày qua, cho biết cá nuôi bè có dấu hiệu mệt, nổi lên mặt nước, ông khắc phục bằng cách tiếp thêm ô-xy. Tuy nhiên, số lượng cá chết ngày một nhiều hơn. Để đảm bảo không bị hao hụt do cá chết, gia đình ông bỏ ra hàng chục triệu đồng để di dời bè cá ra sông Tiền, nhằm tránh bị thiệt hại hoàn toàn.
Cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân
"Lúc đầu, cá ngóc đầu lên, có dấu hiệu chết, nên tôi xử lý bằng cách bơm thêm ô-xy, nhưng thiệt hại hơn 300 kg. Thấy vậy, tôi dời bè cá đi ra sông Tiền để thay đổi môi trường nước, xem cá có tiến triển tốt hơn không", ông Yển nhìn số cá chết mà rầu rĩ.
Người nuôi cá vớt cá chết để tránh ô nhiễm nguồn nước
Bước đầu, ngành chức năng của huyện Hồng Ngự thông tin cá chết hàng loạt trong những ngày qua là do thiếu ô-xy cục bộ. Hiện, địa phương kiến nghị về ngành chuyên môn cấp tỉnh lấy mẫu nước và mẫu cá chết để xét nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Khơi, Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự đến tìm hiểu nguyên nhân
Theo thống kê, trên sông Cái Vừng thuộc huyện Hồng Ngự có khoảng 295 bè, vèo của 83 hộ nuôi cá. Trong đó, có khoảng 55 bè, 69 vèo nuôi của 17 hộ dân bị thiệt hại. Số lượng cá chết hơn 39 tấn cá các loại. Đỉnh điểm cá chết nhiều nhất diễn ra vào ngày 5 đến 6-2. Hiện, có 26 bè, 23 vèo của 7 hộ dân được di dời đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Văn Khơi, Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, cho biết: "Qua kiểm tra thực tế, tình hình cá chết đã có dấu hiệu dừng lại. Tôi đã chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn người xử lý nguồn nước, vớt cá chết để xử lý đúng theo quy định tránh lây lan mầm bệnh. UBND huyện Hồng Ngự đã kiến nghị ngành chuyên môn của tỉnh hỗ trợ lấy mẫu cá chết và nước để xét nghiệm tìm nguyên nhân cá chết".
Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, sông Cái Vừng nối 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp, tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Cái Vừng thuộc 2 xã Phú Thuận A và Long Thuận của huyện Hồng Ngự cũng từng diễn ra vào năm 2016 khiến nhiều hộ nuôi cá rơi vào cảnh khó khăn.
Bình luận (0)