Chương trình tọa đàm có sự tham dự của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú; Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang.
Về phía TP HCM có: Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó Trưởng phòng CSHS Công an TP; Phó Tổng Giám đốc Tổ chức tài chính vi mô CEP Nguyễn Tấn Đạt; bà Phùng Thị Hương Lan, Phó giám đốc Trung tâm quản ký KTX ĐHQG TP HCM
Tọa đàm còn có sự tham gia của luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM; luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP.
Cùng đại diện lãnh đạo các ngân hàng BIDV, Agribank, MB; HDBank; Vietinbank; Vietcombank, Nam A Bank, Bản Việt, OCB, Sacombank, Kienlongbank; các công ty tài chính…
Phát biểu tại tọa đàm, Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động, cho biết trong thời gian nửa đầu năm 2019, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng "đen" tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo theo hệ quả là sự gia tăng của nhiều loại tội phạm và hành vi trái luật có liên quan như cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, các hành vi có dấu hiệu hình sự: đe dọa tính mạng, gây rối trật tự công cộng (như đặt vòng hoa, quan tài, đổ chất bẩn…). Thậm chí, hành hạ thân thể, bắt giữ người trái phép, tấn công bằng hung khí, vũ khí gây thương tích đối với con nợ.
Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động, phát biểu tại buổi tọa đàm
Nhiều vụ huy động vốn với lãi suất cao dưới các hình thức chơi hụi, họ, đa cấp tài chính, tiền ảo… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây nhiều thiệt hại cho hàng ngàn công dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội và các kênh tín dụng lành mạnh khác.
Dù vậy, trên thực tế, vẫn còn phổ biến tình trạng công dân vì nhiều lý do khác nhau vẫn tìm đến tín dụng "đen" để vay tiền, bất chấp những rủi ro về lãi suất và nguy cơ không trả được nợ. Các đối tượng hoạt động tín dụng "đen" chuyển sang núp bóng, lén lút, nhằm trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng, đồng thời vươn vòi ra "bẫy" con nợ với đủ kiểu cho vay rất đơn giản về thủ tục nhưng rất dã man về mức phí, mức lãi suất...
Toàn cảnh buổi tọa đàm
"Hoạt động tín dụng "đen" đang diễn ra dưới nhiều phương thức, thủ đoạn mới nhằm đối phó với cơ quan chức năng như hoạt động cho vay nặng lãi truyền thống - các đối tượng làm hợp đồng giả cách, hợp đồng thuê lại tài sản của người đi vay nhằm biến tướng để chiếm đoạt tiền lãi bất chính; cho vay trực tuyến; cho vay ngang hàng (P2P lending) qua app, website với mức lãi suất, phí dịch vụ "cắt cổ", có khi lên tới cả 1.000%/năm…" - Tổng biên tập Báo Người Lao Động cho hay.
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng "đen" dưới hình thức huy động vốn đa cấp tài chính, chơi tiền ảo cũng xảy ra. Nạn nhân của tín dụng "đen" rất đa dạng, từ sinh viên - học sinh, người kinh doanh buôn bán, cư dân thị thành thất nghiệp đến công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp... Vì sa chân vào tín dụng "đen" mà bao gia đình tan nhà nát cửa, bao người lao đao.
Để ngăn chặn và đẩy tín dụng "đen", Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo hệ lụy để người dân tránh tín dụng "đen" qua các trường hợp huy động vốn trả lãi cao bất thường; cho vay tín chấp với các thủ tục nhanh gọn nhưng lãi suất cao gồm cả hình thức cho vay ngang hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường truyền thông, cơ chế, chính sách cho vay, sản phẩm dịch vụ ngân hàng… để mở rộng kênh tiếp cận vốn; đơn giản thủ tục hành chính để khách hàng tiếp cận được vốn qua các kênh chính thức, hạn chế tín dụng "đen"…
"Với mức độ nghiêm trọng và phạm vi trải rộng của tín dụng "đen" như hiện nay, không chỉ giải pháp của riêng ngành ngân hàng hay các cơ quan bảo vệ pháp luật là đủ, mà cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan đoàn thể hữu quan, chính quyền địa phương, các công ty tài chính giàu tiềm lực, vai trò truyền thông của báo chí và sự hợp tác của người dân, kể cả nạn nhân của tín dụng "đen". Chúng tôi hy vọng buổi tọa đàm sẽ ghi nhận được nhiều ý kiến, đề xuất, hiến kế tâm huyết, sâu sát, khả thi, hiệu quả, để qua đó Ngân hàng Nhà nước tập hợp, từ đó trực tiếp và phối hợp cùng các bộ - ngành hữu quan khác có chính sách vĩ mô tốt hơn nhằm đẩy lùi tình trạng tín dụng "đen", để tín dụng "đen" không còn đất sống!" – ông Tô Đình Tuân kỳ vọng.
Bình luận (0)