Từng có một thời gian dài hoảng loạn, bế tắc vì tín dụng "đen", đến nay nhắc lại, chị Nguyễn N. (22 tuổi; sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TP HCM; tạm trú quận 6, TP HCM) vẫn còn run sợ.
Lãi mẹ đẻ lãi con
Theo lời kể của N., chị vay 2 triệu đồng từ ứng dụng (app) VayDi trên điện thoại nhưng sau đó phải trả 16 triệu đồng, sau 3 tháng. "Với một sinh viên, số tiền lãi phải trả mỗi ngày là một gánh nặng. Vì vậy, khi vừa đến ngày thứ 9, được ứng dụng này giới thiệu thêm ứng dụng thứ 2 với lãi suất thấp hơn để gánh nợ cho ứng dụng đầu, tôi lại nhắm mắt vay. Từ đó, hết app này sang app nọ, số tiền phải trả cứ tăng theo cấp số nhân. Từ 2 triệu đồng mất 3 tháng vay cho 3 app, tôi phải trả 16 triệu đồng. Chưa kể nhận hàng chục cuộc gọi đe dọa, nếu tôi không nghe máy, lập tức các số điện thoại của người thân có trong danh bạ đều bị làm phiền khiến tôi vô cùng hoang mang" - chị N. thuật lại.
Do có nhu cầu vay vốn nhỏ để kinh doanh, chị T.V (ngụ quận 5, TP HCM) đã lên mạng tìm hiểu vay trực tuyến. Thấy một số website quảng cáo hỗ trợ vốn cho vay kinh doanh, ngân hàng tư vấn và lãi suất thấp; vay trả góp theo tháng chỉ cần CMND, hộ khẩu…, chị V. liền đăng ký vay vốn.
Thông tin mời gọi cho vay dán đầy một bức tường Ảnh: HOÀNG THANH PHONG
"Khi tôi đăng ký xong, họ hẹn ra quán cà phê để giải ngân chứ không phải tại ngân hàng. Vay 10 triệu đồng bắt trả trong vòng 25 ngày nhưng số tiền tôi thực nhận chỉ 7 triệu đồng vì họ nói trừ trước phí dịch vụ 1 triệu đồng và trả trước 4 ngày (mỗi ngày 500.000 đồng)" - chị V. bức xúc.
Sau khi nhận tiền, chưa kịp định thần, nhóm người này đã lên xe đi mất và không quên nhắc phải trả nợ đúng hẹn, lúc này chị V. mới biết đã dính vào tín dụng "đen". Từ đó, mỗi ngày chị phải đóng 500.000 đồng gốc và lãi trong 25 ngày, tính ra vay 7 triệu đồng nhưng tổng gốc và lãi phải trả lên tới 12,5 triệu đồng. Khi còn vài ngày nữa, chị không có khả năng trả tiếp liền bị hăm dọa, gọi điện đòi nợ, khủng bố bằng cách tạt sơn vào nhà…
Bị "khủng bố", không dám về nhà
Vừa qua, anh B.V.H (SN 1977; ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP HCM) phải gửi đơn cầu cứu đến Công an quận Bình Tân vì gia đình anh liên tục bị đe dọa, tấn công bằng chất bẩn do vợ anh dính đến đường dây tín dụng "đen".
Trong đơn, anh H. cho biết tháng 8-2019, vợ anh là chị M.T.T chơi số đề, vay 4 tỉ đồng của nhiều người với lãi suất cao. Do bị những nhóm này liên tục gây áp lực, anh phải bán căn nhà đang ở để trả nợ và thuê căn nhà ở quận Bình Tân sinh sống, làm ăn.
Đến ngày 24-12-2020, anh đi làm về thì phát hiện vợ đã bỏ trốn, gọi điện thoại không được. Cùng lúc, nhiều nhóm tín dụng "đen" và những người ghi đề tìm đến đòi nợ. Anh H. nói không vay mượn tiền và yêu cầu những người này đi tìm người mượn tiền mà đòi. Khuya 27-12-2020, nhà anh H. bị người lạ tạt sơn khiến anh cùng các con hoang mang, sống trong lo sợ. "Vì tín dụng "đen" và lô đề mà gia đình tôi tan cửa nát nhà, con cái hoang mang, ảnh hưởng đến việc học, tôi mất tinh thần làm việc, luôn nơm nớp lo sợ cho sự an toàn của cả gia đình" - anh H. nói.
Năm 2019, chị Đ.T.T.L (SN 1988; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) và một số người hùn tiền làm ăn chung và làm thêm mảng rút, đáo hạn thẻ tín dụng không thông qua hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, chị L. còn đứng ra giới thiệu cho người khác vay tiền nhóm người này với thỏa thuận lãi suất từ 1,5%-1,75%/ngày (riêng chị L. được hưởng hoa hồng từ việc môi giới). Chị L. khẳng định thời gian làm ăn chung, khách hàng đều thanh toán tiền lãi và gốc theo tiến độ cho nhóm người này thông qua chuyển khoản bằng tài khoản ngân hàng. Gần đây do làm ăn không thuận lợi, công việc gặp rủi ro, chị L. không có khả năng trả tiền lãi suất cho nhóm người làm ăn chung, dù tính lãi suất theo ngày cao như vậy và tiền gốc thì số tiền họ nhận đã đủ rồi.
Kể từ đó, chị L. bị đe dọa, ép ghi giấy nợ với tổng số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Nhóm người này liên tục nhắn tin đe dọa, chụp ảnh, quay video con gái và người thân chị L. đưa lên mạng xã hội để gây sức ép, tố cáo ra công an với nội dung chị L. lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Do liên tục bị "khủng bố" tinh thần, chị L. đã làm đơn cầu cứu và tố cáo hành vi cho vay nặng lãi của nhóm người này đến cơ quan công an. "Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết, tôi phải trốn chui trốn lủi, không dám về nhà. Tôi mong cơ quan công an sớm vào cuộc điều tra, xử lý những người vi phạm pháp luật để gia đình tôi được sống yên ổn. Nếu tôi sai, tôi xin chịu hoàn toàn trước pháp luật" - chị L. khẩn thiết.
Diễn biến phức tạp
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà (Cục trưởng C02, Bộ Công an) cho biết tình trạng cho vay nặng lãi qua app biến tướng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Các đối tượng cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng biến tướng để lách luật và trốn tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan công an như: ghi lãi suất thấp hơn rất nhiều so với thực tế trong hợp đồng hoặc ghi lãi suất theo thỏa thuận trong một loại giấy tờ khác như giấy vay tiền, giấy viết tay để có thể tiêu hủy, thay đổi dễ dàng, yêu cầu bị hại viết giấy bán tài sản. Sau đó thuê lại chính tài sản mình đã bán để sử dụng làm bằng chứng tố cáo con nợ chiếm đoạt tài sản nếu không trả nợ đúng hẹn với cơ quan công an...
N.Hưởng
Triệt tín dụng "đen" được không?
Ngay sau bài "Tín dụng "đen" giăng bẫy đủ kiểu", đã có nhiều bạn đọc gửi ý kiến tham gia diễn đàn.
Ghi nhận dọc các tuyến đường ở TP HCM, bạn đọc Hoàng Thanh Phong cho biết "rác tín dụng đen" ngập tràn mọi chỗ; từ cột đèn, trạm xe buýt, trạm biến áp đến bờ tường các con hẻm, nhà dân..., quảng cáo cho vay với các nội dung như: "Cần tiền a lô là có", " Cho vay tiền trả góp" hay "Hỗ trợ tài chính, giải ngân nhanh lẹ"... được dán chồng chất lên nhau.
"Để các đối tượng sống bằng nghề cho vay tiền theo kiểu tín dụng "đen" với mức lãi suất "cắt cổ" không có đường sống, ngoài việc tuyên truyền sâu rộng tới người dân về sự nguy hiểm của các tổ chức tín dụng "đen", cần phải đồng thời siết chặt, xử phạt mạnh tay đối với loại hình "rác tín dụng đen" treo dán bừa bãi qua truy xét từ những số điện thoại ghi trên các tờ rơi quảng cáo. Việc này cần phải làm quyết liệt, thường xuyên" - bạn đọc Hoàng Thanh Phong đề xuất.
Bạn đọc Nguyễn Minh Út phân tích Luật Đầu tư 2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-10-2021, cấm tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về lãi suất thỏa thuận vượt quá 20% năm là vi phạm, người cho vay sẽ bị xử lý. Người cho vay nặng lãi cũng có thể bị xử lý theo Bộ Luật Hình sự 2015. Dù vậy, tình trạng đòi nợ theo kiểu xã hội "đen" vẫn tái diễn.
Có 2 nguyên nhân cốt lõi: Người cho vay coi thường pháp luật và người vay nhắm mắt vay bừa, bất chấp hậu quả. Như vậy, nếu chỉ đặt vấn đề xử lý nghiêm theo pháp luật thì e rằng chưa đủ, kết quả chỉ dừng lại ở chỗ "tạm lắng" một thời gian, rồi sau đó bùng phát trở lại.
"Chính quyền cơ sở thừa biết những chủ nhân tín dụng "đen" là ai, ở đâu? Vì vậy, phải có giải pháp để vận động, thuyết phục, giúp đỡ họ từ bỏ con đường cho vay nặng lãi. Với người vay cũng vậy, họ là ai, vì sao lao vào tín dụng "đen" dù trước khi vay đã biết là... "chết chắc". Vì thế, giải pháp tối ưu là giúp đỡ họ từ mọi nguồn lực của nhà nước, xã hội như hỗ trợ tài chính cho họ buôn bán, tìm kiếm việc làm..., để không dính vào tín dụng "đen".
Tất nhiên, chính quyền cơ sở có làm được việc như trên hay không, rất cần sự hỗ trợ từ quận, huyện trở lên và phải có sự nhất trí, phối hợp từ UBND và các ban, ngành, đoàn thể cũng như các cá nhân, tổ chức. Diệt tận gốc tín dụng "đen" không dễ nhưng không phải là không thể!" - bạn đọc Nguyễn Minh Út khẳng định.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-1
Bình luận (0)