Trao đổi với báo chí chiều 20-4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đề xuất xây dựng Luật Thuế tài sản được thực hiện theo chỉ đạo của trung ương, Bộ Chính trị. Cụ thể, Nghị quyết 07/NQ-TW của Bộ Chính trị về chủ trương giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia, an toàn bền vững; Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020; Đề án Chính phủ đã phê duyệt về khai thác nguồn lực đất đai; Nghị quyết 25 của Quốc hội về đề án tái cơ cấu ngân sách 5 năm 2016-2020, trong đó có yêu cầu phải nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế với tài sản gồm đất, tài sản gắn với đất…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định Luật Thuế tài sản nếu được thông qua sẽ không ảnh hưởng đến người thu nhập thấp Ảnh: TẤN THẠNH
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo luật như đã công bố để xin ý kiến nhân dân, chuyên gia. "Chúng tôi rất hoan nghênh, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhân dân cả nước về dự thảo luật này để tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ. Nếu Chính phủ thông qua sẽ báo cáo Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ này" - Bộ trưởng nói.
Về mục tiêu xây dựng Luật Thuế tài sản, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết có 3 mục tiêu chính. Một là tăng cường quản lý nhà nước về tài sản. Hai là nâng cao hiệu quả sử dụng nhà và đất, chống thất thoát lãng phí trong quản lý tài sản công, nhà đất công. Ba là điều tiết đối tượng có thu nhập cao, chống đầu cơ về nhà, đất, bảo đảm những người có nhà, đất phải đưa vào khai thác, sử dụng. Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật Thuế tài sản cũng nhằm bảo đảm sự minh bạch trong quản lý tài sản. Đây là một trong những giải pháp tham gia vào phòng ngừa, phòng chống tham nhũng, lãng phí và góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước. "Như vậy, Luật Thuế tài sản sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo, người thu nhập thấp" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc vì sao Bộ Tài chính không đề xuất đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm chi, thay vì chỉ chú trọng thu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết việc cơ cấu ngân sách phải dựa trên cơ sở cơ cấu lại các chính sách về thu ngân sách trong điều kiện hội nhập và mở cửa. Trong đó, cắt giảm sâu thuế quan, nhất là thuế nhập khẩu, cũng như giá dầu giảm sâu thời gian qua làm ngân sách khó khăn nên cần mở rộng nguồn thu bảo đảm thu ngân sách thời gian tới. Cùng với đó, tiến hành một loạt giải pháp tiết kiệm, bảo đảm giảm chi thường xuyên để có nguồn tăng chi cho phát triển và đảo nợ. "Thời gian qua, chúng ta cũng đã đưa vấn đề tiết kiệm trong chi cho hội thảo, đi nước ngoài, một số đơn vị cũng đã thí điểm khoán xe công… Từ nay tới năm 2020, tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế và đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập. Việc này đòi hỏi các ngành, các cấp phải vào cuộc thực sự, đẩy mạnh sự nghiệp công lập, dành nguồn cho đầu tư, an sinh xã hội" - Bộ trưởng phân tích.
Thực hiện các chủ trương này, Bộ Tài chính đã thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công, cắt giảm 27 xe công. Cùng với đó, bộ cũng đang trình Chính phủ Nghị quyết về xe công và tới đây sẽ được Chính phủ ban hành. Đồng thời, sắp xếp chức năng các đơn vị trong bộ, sắp xếp các đơn vị quản lý nợ công, huy động vốn viện trợ phát triển (ODA)... với tinh thần không tăng biên chế, bộ máy.
Trước đó, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo xin ý kiến xây dựng Luật Thuế tài sản với đề xuất đánh thuế tài sản đối với máy bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên. Riêng đối với nhà đất, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế 0,3%-0,4% đối với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng. Đề xuất này vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của xã hội.
Theo tính toán, nếu tính thuế suất 0,3%, từ nhà có giá trị 700 triệu trở lên, ngân sách thu về 23.300 tỉ đồng. Còn nếu tính thuế suất 0,4%, ngân sách thu về 31.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính nghiêng về phương án áp dụng thuế suất 0,4% để phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, bảo đảm là nguồn thu ổn định, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu ngân sách.
Bình luận (0)