Nhiều ý kiến cho rằng tại Việt Nam tỉ lệ nộp thuế 23,4%/GDP (giai đoạn 2011-2015) là quá cao so với nhiều quốc gia khác là 18%/GDP. Do đó, nếu người dân phải nộp thêm thuế tài sản nhà ở sẽ làm cho tỉ lệ nộp thuế tăng lên, song người dân vẫn chưa hưởng nhiều phúc lợi xã hội tương xứng với nghĩa vụ nộp thuế.
Mấu chốt ở cách tính
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Xây dựng - đồng ý với quan điểm thu thuế tài sản đối với nhà, đất nhưng ông nhấn mạnh mấu chốt nằm ở cách tính thuế.
Người dân cần những thông tin có tính thuyết phục về các loại thuế liên quan đến tài sản Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ông Liêm, với cách tính thuế tài sản như đề xuất, Bộ Tài chính đã không nắm được ý nghĩa, mục đích của thuế tài sản. Thuế tài sản có 3 mục đích. Một là để phục vụ cho việc xác lập và bảo vệ tài sản của người dân. Dù tài sản có giá trị hay không thì cũng cần xác nhận và bảo vệ, do đó phải thu tiền cho công việc đó. Hai là giá trị của một tài sản không chỉ ở bản thân tài sản đó mà còn phụ thuộc vào chất lượng hạ tầng mà hạ tầng là do nhà nước đầu tư. Từ trước đến nay, nhà nước vẫn phải đầu tư hạ tầng cho các khu đô thị nhưng thu rất ít, nếu không thu thuế khó tái đầu tư hạ tầng để phục vụ lại cho người dân. Ba là thuế tài sản có vai trò điều tiết, phân phối và bảo đảm công bằng hơn trong xã hội thông qua việc thu của người có thu nhập cao để giúp đỡ nhà ở và hạ tầng cho người có thu nhập thấp, người nghèo. Vì vậy, thuế tài sản phải là thuế lũy tiến để không cào bằng, giá trị tài sản càng cao thì tỉ lệ thu thuế càng lớn. Các nước gọi thuế này là "thuế phần ngàn", thu ngàn năm mới bằng giá trị tài sản. Trong khi đó, Bộ Tài chính đề ra thuế suất 0,3%-0,4% cho tài sản trị giá trên 700 triệu đồng là không ổn, vì người thu nhập thấp cũng nộp thuế như người có biệt thự, sống xa hoa.
"Đối với người thu nhập thấp, chỉ thu tượng trưng vài chục ngàn đồng/năm thì không ảnh hưởng gì. Còn đối với người giàu, đầu cơ thì phải thu cao. Cần chia thành nhiều mức để có những ngôi nhà, thửa đất của người thu nhập thấp thì mức đóng rất thấp. Còn mức 0,3%-0,4% là áp dụng cho biểu thuế cao nhất" - ông Liêm đề xuất.
Theo vị chuyên gia này, số lượng tài sản là bất động sản hiện rất lớn nên ngay cả khi áp dụng mức thuế suất rất thấp cũng có thể đem lại nguồn thu chiếm 30%, thậm chí 70% ngân sách của một đô thị. Hơn nữa, thu thuế thấp sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân và cũng không ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.
Về cách tính, TS Phạm Sỹ Liêm nhận định: "Căn cứ tính thuế nhà theo suất đầu tư như Bộ Tài chính đưa ra là không ổn. Vì suất đầu tư là do Bộ Xây dựng quy định, cũng một suất đầu tư nhưng ở thủ đô và ngoại thành giá như nhau thì đánh thuế tài sản thế nào. Vả lại, giá trị tài sản còn phụ thuộc vào hạ tầng, vị trí của ngôi nhà, mảnh đất".
Không có tác dụng đối với nền kinh tế
PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhìn nhận Bộ Tài chính đưa ra cách tính thuế đất và thuế nhà đối với căn hộ chung cư là khá phức tạp, có thể thu cho ngân sách không nhiều tiền nhưng làm cho xã hội cảm thấy nặng nề khi có nhiều loại thuế liên quan đến tài sản. Mặt khác, cách tính này cho thấy mục đích của thuế tài sản là tăng thu ngân sách, chưa nói lên được mục tiêu thu hẹp giàu nghèo, điều tiết thị trường nhà đất, đặc biệt là việc hạn chế đầu cơ, lướt sóng bất động sản. Bởi lẽ, với căn hộ giá trị 2,5 tỉ đồng tại Hà Nội, giới đầu cơ nhà chỉ đóng thuế khoảng 700.000 đồng/năm là không đáng kể. Hệ quả là một sắc thuế không có tác dụng đối với nền kinh tế.
Ông Bảo nhận xét Bộ Tài chính chưa nghiên cứu về tác động của thuế tài sản đến đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó, sắc thuế này vấp phải phản ứng khá mạnh từ người dân. Điều này cho thấy một chính sách thuế chưa được chuẩn bị kỹ trước khi đưa ra lấy ý kiến đóng góp.
LS-TS Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng tỉ lệ nộp thuế/GDP cao cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam đứng trước áp lực lớn vì chỉ khi kinh tế tăng trưởng mạnh, tỉ lệ nộp thuế mới giảm. Ngược lại, Việt Nam tăng thu thuế nội địa nhưng nếu kinh tế tăng trưởng không đáng kể thì tỉ lệ nộp thuế/GDP sẽ ngày càng tăng. Để kinh tế tăng trưởng mạnh, kéo giảm tỉ lệ nộp thuế, ngoài việc giảm tỉ lệ nộp tiền sử dụng đất (thuế sử dụng đất) và các sắc thuế, phí liên quan đến nhà ở, Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư các dự án phục vụ an sinh xã hội theo mô hình công tư hợp doanh (nhà nước dùng đất làm vốn góp với tư nhân) nhằm tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Từ đó, người dân mới tích lũy tiền bạc để mua nhà ở, nộp thuế tài sản nếu sắc thuế này trở thành hiện thực.
Bình luận (0)