Nhắc đến hoa đào người dân ba miền Bắc Trung Nam đều nhớ ngay đến cái Tết cổ truyền của dân tộc. Chơi đào ngày Tết đã trở thành một nét đặc trưng của người dân miền Bắc nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung. Nhưng, ít ai biết được để ngày Tết có những cây đào đẹp nhiều thế, dáng độc và lạ người trồng đào phải bỏ rất nhiều công chăm sóc. Hơn nữa, nghề trồng đào mà mọi người vẫn thường nói đùa với nhau rằng nó là nghề may rủi, trông chờ vào cả thời tiết.
Dưới cái nắng oi ả của buổi chiều hè, người dân Thường Tín (Hà Nội), thủ phủ trồng đào, chuyên cung cấp đào ngày Tết cho thủ đô và các tỉnh phía Bắc, đang tất bật "khoanh cổ" hãm đào, không cho đào phát triển vào ngọn, chuẩn bị cho giai đoạn đào nuôi nụ.
Vườn đào bát ngát ở Thường Tín
Theo kinh nghiệm của những người trồng đào lâu năm, ngoài kỹ thuật chăm sóc, yếu tố thời tiết cũng đóng một vai trò quan trọng, mang tính quyết định tới "số phận" của cây đào. Năm nào thời tiết thuận lợi, đào nở hoa đúng dịp Tết sẽ bán được giá cao nhưng nếu mưa nhiều cây dễ bị thối gốc hoặc nắng nóng nhiều, hoa nở sớm hoặc muộn quá, lúc đó người trồng đào chỉ biết "hoa cười, người héo".
Tuy nhiên, không phải người trồng đào nào cũng đợi đến Tết mới bán, rất nhiều nhà vườn do nhà neo người hoặc một lý do nào đó mà họ sẽ bán ruộng đào trước khi "khoanh cổ" hoặc trong thời gian chưa tuốt lá – gọi là bán "đào non".
Người trồng thường bán "đào non" trong khoảng tháng 7, tháng 8 dương lịch. Thời gian này, thương lái thường đến các ruộng đào ngắm nghía, đánh giá cây đào. Nếu thấy ưng họ sẽ đàm phán mua cả ruộng. Khi bán "đào non" như vậy số tiền thu về của người trồng sẽ ít hơn rất nhiều nếu để lại bán trong dịp Tết nhưng sẽ tránh được các rủi ro đào nở sớm, nở muộn hoặc đào chết trước khi ra thị trường. Rất nhiều người trồng đào chấp nhận ăn "non" để yên tâm đón Tết hơn là chờ đợi một khoản thu nhập cao mà rủi ro mất đến 50%.
Những người trồng nơi đây cho biết mọi năm vào thời gian này, những thương vụ mua bán "đào non" diễn ra rất sôi động. Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên ảm đạm hẳn, không có nhiều người đến mua. Cả khu vực đào rộng lớn vậy mà chỉ có một - hai nhà bán được.
Anh Bùi Văn Sào (ngụ thôn Đông Thai, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín) cho biết: "Năm nay đào non bị ế, tầm này các năm trước cả khu vực mấy nghìn gốc đào đều được các thương lái bao mua gần hết, vậy mà năm nay đào đẹp đến đâu cũng không có mấy ai hỏi mua".
Tôi theo bước chân anh đi qua các vườn đào, gặp những người dân trồng đào khác, nhìn trên làn da đen rám nắng của họ, mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt mang theo nỗi lo cho một vụ mùa thất thu, mới thấm thía câu: "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".
Trong lúc ngồi uống nước trò chuyện, người chăm sóc đào nghỉ giải lao ở trong các căn chòi nhỏ dựng tạm giữa cánh đồng, tôi ngồi nghe họ chia sẻ các kinh nghiệm chăm sóc đào, giá đào năm nay khả năng cao hay thấp hoặc nhà ai năm nay đã bán được "đào non". Nghe họ nói cảnh tấp nập thương lái mua "đào non" năm ngoái so với cảnh đìu hiu năm nay cách xa một trời một vực.
Anh Bùi Quang Huy (36 tuổi), người trồng đào hơn mười năm nay, cho hay rất nhiều nhà trong làng chỉ trồng mỗi đào và trông chờ vào một mùa thu nhập khá. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh kéo dài, những người trông chờ bán "đào non" bị hụt hẫng. Họ còn lo dịp Tết sắp tới còn thất thu hơn nữa vì có thể thương lái cũng sẽ "mất tăm, mất tích", không quay lại.
Nhìn con đường bê tông nắng đổ lửa và những vườn đào được tạo thế đẹp mắt, một người dân chỉ vào ruộng đào thở dài: "Nếu năm nay không bị ảnh hưởng dịch bệnh thì vườn đào thế một trăm cây kia có thể bán được gần trăm triệu nhưng giờ không có mấy ai hỏi mua"
Nỗi phiền muộn về một năm khả năng thất thu đang đè nặng lên đôi vai người trồng đào. Tôi tự hỏi: Giải pháp nào cho nông dân mùa dịch?
Bình luận (0)