Các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đang đề xuất UBND tỉnh giải quyết 25 dự án “treo” và đề nghị ký quỹ cam kết triển khai đối với 12 dự án.
Khó xác định thật, giả
Dự án Trung tâm Thương mại Phú Xuân do Công ty TNHH Phú Xuân làm chủ đầu tư tọa lạc trên diện tích 11.800 m2 ở vị trí giáp 3 mặt đường lớn của TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Năm 2012, sau khi hoàn thành phần thô, dự án dừng thi công và hiện công trình bắt đầu bong tróc, giàn giáo dựng tua tủa, cần cẩu treo lơ lửng rất đáng sợ.
Dự án xây Trung tâm Văn hóa Thương mại, Dịch vụ tổng hợp Đắk Lắk Center do Công ty CP Đầu tư Cao Nguyên làm chủ đầu tư nằm trên diện tích gần 3.400 m2, được cấp phép từ năm 2008, cũng ở vị trí đắc địa của TP Buôn Ma Thuột với quy mô 18 tầng và 1 tầng hầm. Tuy nhiên, dù UBND tỉnh Đắk Lắk gia hạn nhiều lần nhưng đến nay, dự án chỉ mới xây được 4 tầng và 1 tầng hầm rồi để đó.
Dự án bãi đậu xe phía Bắc do HTX Vận tải số 1 làm chủ đầu tư trên diện tích gần 4.000 m2 nằm trên đường Hà Huy Tập (TP Buôn Ma Thuột) sau hơn 5 năm được phê duyệt, đến nay chỉ mới xây tường rào bao quanh rồi chủ đầu tư đề nghị tỉnh thu hồi và xin hoàn trả chi phí đã đầu tư.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Đầu tư và Du lịch thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Đắk Lắk, cho rằng trước đây không quy định nhà đầu tư phải ký quỹ nên nhà đầu tư dù không có khả năng thực hiện dự án, vẫn đăng ký rồi để đó, gây lãng phí tài nguyên đất, mất cơ hội thu hút đầu tư, thất thu tiền thuê đất. “Lúc xin làm dự án, các nhà đầu tư rất hồ hởi, khi triển khai thì đưa ra nhiều tình huống bất khả kháng nên rất khó xác định đâu là thật, đâu là giả” - ông Thắng nói.
Không dễ thu hồi
Ngày 9-11, Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết toàn tỉnh có 70 dự án triển khai từ năm 2014 nhưng chậm tiến độ và UBND tỉnh giao sở này thống kê các dự án chậm tiến độ không có lý do chính đáng, chủ đầu tư không có năng lực tài chính thì kiên quyết thu hồi nhưng không dễ.
Trên khu đất hơn 3.600 m2 ở trung tâm TP Nha Trang có 2 mặt tiền đường lớn là Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai, dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao do Công ty In - Thương mại và Dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư bị bỏ hoang từ năm 2007 đến nay. Lý do, chủ đầu tư bị Bộ Công an điều tra về một vụ án kinh tế nên kê biên lô đất.
“Sau khi gỡ lệnh kê biên, vẫn chưa có hướng xử lý lô đất này. UBND tỉnh đã chỉ đạo thu hồi đất nhưng vẫn còn vướng vì đất do công ty này đấu giá” - ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa, nhìn nhận.
Cũng ở TP Nha Trang, dự án Trung tâm Thương mại và Du lịch Tràng Tiền Nha Trang có 2 mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai và Hùng Vương với diện tích gần 4.500 m2 không được đầu tư từ 10 năm qua. Đầu năm nay, UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho chủ đầu tư mới nhưng đang bị chủ đầu tư cũ khởi kiện nên dự án tiếp tục nằm im.
Năm 2007, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Nhân An gần 20.000 m2 đất trên đường Phan Bội Châu (TP Buôn Ma Thuột) để xây bệnh viện. Do nhà đầu tư không hoàn thành tiến độ và không có nguyện vọng triển khai tiếp nên tỉnh quyết định thu hồi. Tuy nhiên, do nhà đầu tư còn nợ nhà thầu phụ và sau đó nhà thầu phụ mua lại công ty nên nhà thầu phụ khởi kiện UBND tỉnh Đắk Lắk. Tại phiên tòa sơ thẩm, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý bồi thường hơn 3 tỉ đồng đã đầu tư nhưng nguyên đơn không chịu và kháng án.
Lô đất số 1 đường Ngô Mây nằm tại một ngã năm của TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với diện tích gần 5.000 m2 hướng ra biển, giá thị trường hơn 100 triệu đồng/m2 (là mức giá cao nhất nhì tỉnh Bình Định). Đầu năm nay, UBND tỉnh Bình Định đồng ý phương án kiến trúc dự án tổ hợp Trung tâm Thương mại và Dịch vụ hỗn hợp - Thành Châu Tower do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Châu làm chủ đầu tư.
Thế nhưng, ngoài hàng rào dựng bao quanh lô đất bằng những tấm bảng quảng cáo, hiện dự án gần như bất động. Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, cho biết vì đây là dự án lớn, phải qua nhiều thủ tục phức tạp, hiện chủ đầu tư xin lùi tạm ứng tiền sử dụng đất qua năm sau.
Trong khi dự án nói trên chưa triển khai thì tỉnh Bình Định tiếp tục chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Châu triển khai nhiều dự án khác, trong đó có dự án dịch vụ du lịch bãi biển tại một lô đất cũng rất đẹp, nhìn ra biển, diện tích khoảng 2.500 m2. Dự án này chưa triển khai hạng mục nào.
“Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham gia ý kiến để có hướng xử lý đối với các dự án chậm triển khai, trong đó có dự án của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Châu” - ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, cho hay.
Đà Nẵng đòi lại đất “vàng”
TP Đà Nẵng vừa rà soát nhiều dự án “treo” nằm trên các khu đất “vàng” thuộc trung tâm TP. Tại đường Hùng Vương, dự án Trung tâm Thương mại, khách sạn và căn hộ cao cấp Viễn Đông Meridian do Công ty CP Địa ốc Viễn Đông Việt Nam làm chủ đầu tư - được cấp phép từ năm 2008, dự kiến đưa vào sử dụng giữa năm 2011 - được giao hơn 11.000 m2 nhưng hiện mới chỉ đóng được vài cọc thí nghiệm và hệ thống cống.
Kế đó, dự án bãi đỗ xe ngầm Viễn Đông cũng mới thi công được hàng rào rồi dừng lại để cây cối mọc um tùm. Nhiều dự án khác như Golden Square, Đà Nẵng Center, Halla Jade Residence… cũng nằm ở những vị trí đắc địa nhưng nhiều năm qua chỉ thi công qua quýt rồi dừng lại.
UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở KH-ĐT làm việc với các nhà đầu tư, yêu cầu cam kết thực hiện và phân chi tiết từng hạng mục thi công trong thời gian cụ thể; cùng các sở, ngành nghiên cứu kỹ các văn bản luật nhằm mạnh tay thu hồi các dự án “treo” để lấy lại đất “vàng”. Riêng một số dự án như công viên, bãi đỗ xe ngầm Meridian, TP yêu cầu thu hồi, trả mặt bằng công viên cho dân...
B.Vân
Bình luận (0)