Năm 2011, mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao chót vót, 20%-25%/năm, tỉ giá biến động mạnh, lạm phát ở mức cao, thị trường vàng rối loạn. Thời điểm đó, người dân, doanh nghiệp vay vốn "kêu trời" vì lãi suất, người mua vàng xếp hàng dài sau mỗi cơn sốt giá. Thế nhưng sau 10 năm, đến đầu năm nay, những bất cập này gần như được giải quyết. Đặc biệt, lãi suất tiền gửi VNĐ hiện chỉ còn 3,1%-6,7%/năm, lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm. Riêng lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ đối với một số ngành, lĩnh vực chỉ còn 4,5%/năm.
Lãi suất liên tục giảm
GS-TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định điều hành lãi suất là bài toán khó vì lãi suất cao sẽ giảm tiêu dùng và đầu tư. Ông nhớ lại giai đoạn 2010-2011, mặt bằng lãi suất cho vay trên 20%/năm - một kết quả của tình trạng căng thẳng thanh khoản do nhu cầu vốn đầu tư vào bất động sản, chứng khoán và các doanh nghiệp, ngân hàng chạy đua tăng vốn điều lệ của giai đoạn trước đó. Còn các ngân hàng chạy đua lãi suất, thị trường ngoại hối cũng hết sức bất ổn...
"Để lập lại kỷ cương của thị trường tiền tệ, khi đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định áp trần lãi suất nhằm giảm động cơ cạnh tranh không lành mạnh, siết chặt kỷ luật thị trường và gia tăng cơ hội tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp. Từ giữa năm 2012, NHNN từng bước thả nổi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, rồi rút xuống kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Đến nay, trần lãi suất tiền gửi VNĐ liên tục giảm. Lãi suất cho vay theo đó cũng hạ nhiệt" - GS Trần Thọ Đạt nói.
Tòa nhà trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hà Nội, nơi 70 năm qua đã đưa ra nhiều chính sách tiền tệ thành công, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế .Ảnh: NGÔ NHUNG
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá trong giai đoạn 2015-2020, lãi suất là một trong những chỉ số rất quan trọng và được triển khai một cách quyết liệt. Đến cuối năm 2020, lãi suất huy động giảm 2,3 điểm %/năm, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 3,6 điểm %/năm so với giai đoạn trước đó. Đến nay, lãi suất cho vay tối đa với đối tượng ưu tiên ở mức 4,5%/năm, giảm khoảng 2,5 điểm % đối với các đối tượng ưu tiên này nếu so với năm 2016.
"Tất cả mức lãi suất của Việt Nam hiện nay đều thấp hơn mức bình quân của các nước ASEAN+4, đây là một trong những chỉ số rất tích cực. Đến hết tháng 3-2021, mức lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp, dư nợ các lĩnh vực đang có chiều hướng tích cực. Việc điều hành chính sách lãi suất trong thời gian tới vẫn trên quan điểm trước hết là ổn định. NHNN sẽ tiếp tục phấn đấu giảm cả lãi suất huy động và cho vay" - ông Đào Minh Tú khẳng định.
Chống đô-la hóa, "xóa sổ" những cơn sốt giá vàng
Thành công của ngành ngân hàng thời gian qua còn phải kể đến là "cuộc chiến" chống vàng hóa, đô-la hóa. Cũng trong giai đoạn 2010-2011, khi thị trường ngoại tệ căng thẳng do tác động của giá vàng thế giới và lạm phát tăng cao, NHNN đã tăng mạnh tỉ giá USD/VNĐ lên tới 9,3% (giữa tháng 2-2011).
Đến tháng 8-2015, khi thế giới "chới với" bởi việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ lên tới 5%, NHNN đã kịp thời điều chỉnh tăng tỉ giá USD/VNĐ, đồng thời nới rộng biên độ giao dịch nhằm chủ động dẫn dắt thị trường. Động thái này của NHNN đã nhanh chóng bình ổn tỉ giá, ổn định tâm lý người dân và doanh nghiệp.
Từ năm 2016, NHNN táo bạo áp dụng cơ chế điều hành tỉ giá mới bằng cách công bố tỉ giá trung tâm hằng ngày, một khái niệm khá mới mẻ trên thị trường ngoại hối. Cơ chế mới giúp tỉ giá linh hoạt, phản ánh đầy đủ hơn các yếu tố thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là với những quốc gia có quan hệ thương mại đầu tư lớn với Việt Nam. NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại chuyển sang "mua đứt - bán đoạn" ngoại tệ khi chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang mua - bán ngoại tệ, thu hẹp dần đối tượng được vay USD, trong khi lãi suất tiền gửi USD đưa về 0%/năm...
Những bước đi này nhằm cụ thể hóa chủ trương hạn chế tình trạng đô-la hóa nền kinh tế. Từ đó, mỗi năm NHNN thu mua được hàng chục tỉ USD bổ sung vào dự trữ ngoại hối nhưng vẫn không làm cho lạm phát tăng cao.
Chính sách tỉ giá ổn định cũng góp phần vào thành công của việc chống vàng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả chủ yếu đến từ Nghị định số 24 về quản lý thị trường vàng. Đầu năm 2011, thời điểm giá vàng lần đầu tiên nhảy vọt lên trên 49 triệu đồng/lượng, người dân rồng rắn xếp hàng mua vàng, gây ra cảnh hỗn loạn.
Thời gian dài sau đó, những cơn sốt vàng liên tục diễn ra, hoạt động đầu cơ trục lợi làm lũng đoạn thị trường. Các nhà đầu cơ, sàn vàng tung tin thổi giá, dìm giá vàng để kiếm lời..., gây áp lực lên tỉ giá, dự trữ ngoại hối, một khối lượng ngoại tệ lớn chảy ra nước ngoài để nhập vàng.
Tình trạng lên tới mức báo động, NHNN nhìn thấy và đã kịp thời tháo gỡ "ngòi nổ tỉ giá" - gỡ bỏ vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng - một biện pháp hành chính được cho là khắc nghiệt nhưng đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho nền kinh tế. Trên cơ sở Nghị định số 24, NHNN đẩy nhanh việc chuyển quan hệ huy động, cho vay vàng sang quan hệ mua, bán vàng; tất toán huy động vàng và giảm số dư cho vay vốn bằng vàng.
Để tạo nguồn cung cho thị trường, giúp thu hẹp sự mất cân đối về cung cầu, can thiệp bình ổn thị trường vàng, hoạt động đấu thầu vàng được diễn ra công khai, minh bạch. Trong giai đoạn 2013-2014, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu, tạo nguồn cung 68,25 tấn vàng; thu về cho ngân sách trên 7.000 tỉ đồng. Nhiều ngân hàng thương mại đã mua đủ vàng để tất toán huy động vốn bằng vàng.
Và đến nay, ngay cả ở những thời điểm giá vàng nóng sốt, thậm chí giá vàng vượt đỉnh 62 triệu đồng/lượng trong năm 2020, cũng không còn tình trạng gom USD nhập lậu vàng, đẩy tỉ giá tăng cao như trước đó.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-5
Vốn vàng được chuyển hóa thành tiền
Theo NHNN, tình trạng vàng hóa nền kinh tế từng bước được kiểm soát, không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua bán vàng; góp phần hạn chế rủi ro cho người dân khi tham gia thị trường vàng. Biến động giá vàng ít tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối và kinh tế vĩ mô, một phần nguồn vốn bằng vàng được chuyển hóa thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó hỗ trợ việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần kiềm chế lạm phát, tránh gây áp lực lên tỉ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng.
Bình luận (0)