Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển thị trường chứng khoán, ban hành pháp lý cho chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 11/2016 về chứng khoán phái sinh.
Một sản phẩm phái sinh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đang thiết kế sản phẩm chứng khoán phái sinh theo chỉ số VN 30 của 30 công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP - tạm gọi là sản phẩm đầu tư theo chỉ số chứng khoán VN 30. HoSE dự kiến hết quý II/2017 sẽ trình cấp trên phê duyệt rồi tung ra thị trường.
Đại diện HoSE cho biết với sản phẩm đầu tư theo chỉ số chứng khoán VN 30, nhà đầu tư có thể dự đoán chỉ số VN 30 tăng hoặc giảm trong tương lai để mua bán sản phẩm này trong một thời hạn nhất định với 10 công ty chứng khoán. Giả sử, đầu tháng, nhà đầu tư dự đoán đến cuối tháng, chỉ số VN 30 tăng 10 điểm thì mua (đánh lên) sản phẩm đầu tư theo chỉ số chứng khoán VN 30 trong thời hạn 1 tháng. Trong khoảng thời gian này, nếu chỉ số VN 30 tăng, nhà đầu tư có thể bán để chốt lời; còn chẳng may chỉ số VN 30 giảm thì nhà đầu tư có thể bán để cắt lỗ. Ngược lại, nhà đầu tư dự đoán chỉ số VN 30 giảm thì bán (đánh xuống) sản phẩm chỉ số VN 30 với thời hạn 1 tháng. Khi chỉ số VN 30 giảm thì mua lại để chốt lời, còn trường hợp chỉ số VN 30 tăng thì nhà đầu tư cũng phải mua lại để cắt lỗ.
PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, phân tích kênh đầu tư chỉ số chứng khoán là một trong nhiều sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư cổ phiếu. Ví dụ, người đang nắm giữ cổ phiếu của V. (nằm trong VN 30) nhận định trong tương lai, chỉ số VN 30 sẽ tăng nhưng vẫn lo ngại cổ phiếu V. giảm giá. Vì thế, họ “đánh lên” chỉ số VN 30 và nếu chỉ số này tăng thì thu được lợi nhuận nhằm bù đắp khi giá cổ phiếu V. giảm (nếu có).
Lãnh đạo một số công ty chứng khoán cho rằng tại nhiều quốc gia, tỉ lệ ký quỹ cho các sản phẩm phái sinh khoảng 5%-10%. Ví dụ, đầu tháng, chỉ số chứng khoán Mỹ Dow Jones là 500 điểm. Nhà đầu tư dự đoán chỉ số này sẽ đi lên trong thời gian tới nên quyết định mua sản phẩm phái sinh theo chỉ số Dow Jones với số tiền 500 triệu đồng, tỉ lệ ký quỹ là 10%, tức nhà đầu tư chỉ bỏ ra 50 triệu đồng. Đến cuối tháng, chỉ số Dow Jones tăng thêm 550 điểm, nhà đầu tư bán sản phẩm phái sinh chỉ số Dow Jones thu về lợi nhuận 50 điểm, nếu 1 điểm tương đương 1 triệu đồng thì nhà đầu sinh lời 50 triệu đồng.
Rủi ro chờ sẵn
Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, khi sản phẩm phái sinh chỉ số chứng khoán VN 30 ra đời, có thể nhà đầu tư cổ phiếu biến mục đích phòng ngừa rủi ro thành đầu cơ. Lúc đó, tính minh bạch của các báo cáo tài chính - kế toán liên quan đến các tổ chức, cá nhân mua bán sản phẩm phái sinh theo chỉ số VN 30 là một thách thức đối với cơ quan quản lý. Bởi lẽ, việc hạch toán và kiểm toán các giao dịch phái sinh hết sức phức tạp. Nhà đầu tư có thể che đậy các khoản lỗ từ việc mua bán chỉ số VN 30 hoặc cung cấp các thông tin sai lệch làm gia tăng tính hấp dẫn của chỉ số VN 30 nhằm thu hút các nhà đầu tư khác tham gia.
Tuy HoSE chưa đưa ra các điều kiện chi tiết dành cho nhà đầu tư mua bán sản phẩm chỉ số chứng khoán VN 30 nhưng giới phân tích cho rằng sản phẩm này có thu hút nhiều người tham gia hay không còn phụ thuộc vào tính thanh khoản của nó. Thị trường có thể xảy ra tình huống chỉ có người bán nhưng vắng người mua hoặc ngược lại. Khi đó, nhà đầu tư đối mặt với rủi ro.
Một số chuyên gia chứng khoán nhận định trên thị trường quốc tế, các tổ chức tài chính lớn thường là nhà tạo lập thị trường. Họ đóng vai trò vừa là người mua vừa là người bán sản phẩm chứng khoán phái sinh nhằm bảo đảm thanh khoản cho thị trường.
“Để sản phẩm đầu tư theo chỉ số VN 30 triển khai thành công là một thách thức vô cùng lớn đối với nhiều chủ thể tham gia, từ các nhà hoạch định chính sách đến ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và nhà đầu tư cá nhân” - ông Bảo đánh giá.
PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo đề xuất cơ quan quản lý thị trường chứng khoán có thể chọn vài doanh nghiệp lớn đảm nhận vai trò là người mua bán cuối cùng hoặc quy định nhà đầu tư mua sản phẩm chỉ số VN 30 từ công ty chứng khoán A và khi họ cần bán, công ty này phải mua lại. Trường hợp nhà đầu tư bán sản phẩm chỉ số VN 30 cho công ty chứng khoán B rồi chờ chỉ số này biến động sẽ mua lại thì công ty B có trách nhiệm bán sản phẩm chỉ số VN 30 để nhà đầu tư hoàn tất chu kỳ giao dịch.
Cần giám sát chặt
Do đầu tư theo chỉ số chứng khoán VN 30 là một sản phẩm phái sinh và phức tạp nên nhiều chuyên gia tài chính khuyến cáo cơ quan quản lý có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư, xử lý các tranh chấp phát sinh theo thông lệ quốc tế. Khung pháp lý về giao dịch phái sinh do Hiệp hội Phái sinh và Hoán đổi quốc tế thiết lập sẽ là tài liệu tham khảo quý báu để cơ quan quản lý ban hành “luật chơi” chuẩn mực, tạo sự an toàn, minh bạch cho thị trường.
Mặt khác, các quy định về hạch toán, kế toán, báo cáo tài chính về giao dịch sản phẩm VN 30 cũng cần nghiên cứu kỹ, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư khấu trừ chi phí, doanh thu và lợi nhuận; đồng thời cơ quan thuế cũng dễ dàng theo dõi, kiểm soát các giao dịch của nhà đầu tư nhằm phòng tránh các kỹ thuật biến lãi thành lỗ để trốn thuế.
Bình luận (0)