Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đầu tư dự án cao su tại 7 tỉnh Campuchia, hầu hết đều ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới giáp Việt Nam. Trò chuyện với những con người trong trong thời kỳ đầu đưa cây cao su sang đất Campuchia, chúng tôi nhận ra công thức chung là sự hy sinh và tinh thần thép để vượt qua trăm bề khó khăn.
Khó khăn trăm bề
Ông Lê Phước Tới, Trưởng Phòng Kế hoạch Công ty Vketi (có hơn 3.800 ha cao su ở tỉnh Kratie), cho biết ngày đầu đến dự án là rừng nghèo kiệt, chưa có điện, chưa đường đi, nhiều đoạn phải chèo ghe vì chưa có cầu. Anh em phải dựng lán trại để ở tạm và khai phá trồng mới dự án. Thời kỳ đầu, cũng chưa biết tiếng Khmer nên rất khó khăn trong giao tiếp, tuyển dụng lao động.
"Ở đây, mỗi năm có đến 28 ngày nghỉ lễ, chưa kể đến mùa thu hoạch nông sản, công nhân lại đồng loạt về quê khiến lao động bị thiếu hụt. Công ty phải tuyên truyền, vận động rất nhiều để họ quen với kỷ luật lao động" - ông Tới chia sẻ.
Giờ đây, đi theo các dự án trồng cao su của Việt Nam là hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế. Tại các nông trường là khu nhà ở công nhân rộn rã tiếng đùa vui của con em công nhân, phía ngoài còn có sân cầu lông, bóng chuyền để mọi người giải trí, tập luyện sau giờ làm việc. Nhiều tiệm tạp hóa, siêu thị mọc lên trong vùng dự án hỗ trợ công nhân khi áp dụng chính sách mua trước, trả sau khi tới kỳ lương.
Đặc biệt, Công ty CP Cao su Đồng Nai - Kratie (có gần 5.000 ha cao su tại huyện Sambo, tỉnh Kratie) còn phối hợp với nhà mạng Metfone (Viettel tại Việt Nam) xây dựng 3 trạm phát sóng đặt ở 3 nông trường để người lao động giữ liên lạc với người nhà, kết nối thông tin khắp nơi qua điện thoại, internet.
Ông Lê Văn Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đồng Nai - Kratie, cho biết đây là một bí kíp để giữ chân người lao động. "Ban đầu Metfone còn chần chừ bởi đây là vùng sâu, vùng xa, họ ngại không có đủ số thuê bao tối thiểu là 500 nhưng khi đi vào vận hành thì có đến hơn 1.000 thuê bao" - ông Lâm kể lại.
Ông Mã Hùng Tuấn Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đồng Nai - Kratie, nhớ lại thời kỳ đầu sang Campuchia lập dự án, khó khăn nhất vẫn là nỗi nhớ nhà khi giao thông cách trở. "Thời đó sang đây lương 300 USD/tháng thì mất 150 USD tiền điện thoại. Giờ lương cao hơn nhưng tiền điện thoại chỉ mất 5-6 USD/tháng" - ông Long chia sẻ.
Công nhân Công ty Cao su Đồng Phú - Kratie thu hoạch mủ cao su tại nông trường
Ông Var Soy (72 tuổi), một già làng ở địa phương, hiện là trị sự ngôi chùa được Công ty Cao su Đồng Phú - Kratie (dự án có hơn 9.000 ha ở tỉnh Kratie) xây dựng trong vùng dự án, để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của công nhân. Ông Soy cho biết dự án đã giúp phát triển kinh tế địa phương rất nhiều. Trước đây, người dân sống bằng nghề săn bắt nên rất nghèo, từ khi có dự án đã tạo ra công ăn việc làm, có thu nhập, trẻ em được đi học.
Ông Vũ Thế Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Đồng Phú - Kratie, kể thời kỳ đầu công ty trả lương cho công nhân bằng tờ tiền mệnh giá 50.000 riels họ không dám nhận vì sợ tiền giả. Hỏi ra mới biết trước giờ họ chỉ được tiếp xúc với tiền mệnh giá 10.000 riels, 20.000 riels, chưa từng biết đến tiền có mệnh giá lớn hơn.
Có lãi sớm
Vượt qua những tháng ngày gian khó, hiện trụ sở Công ty CP Cao su Đồng Nai - Kratie là một công trình mới, khang trang mà nhìn vào đó cũng đoán được tình hình làm ăn của doanh nghiệp (DN). Ông Lê Văn Lâm, Tổng Giám đốc, tự hào cho biết năm 2021 công ty đã có lãi 8,18 tỉ đồng trong khi kế hoạch vẫn lỗ 25,8 tỉ đồng bởi đây là dự án đầu tư dài hạn. Năm 2022, mục tiêu của DN lãi 6,4 tỉ đồng nhưng thực hiện được 18,9 tỉ đồng. "Kết quả trên nhờ DN đã chủ động từ đầu năm, nhất là ổn định nguồn lao động từ những chính sách chăm lo tốt là yếu tố quan trọng nhất" - ông Lâm chia sẻ.
Với đà trên, dự án dự kiến sẽ thu hồi vốn vào năm 2026 và chuẩn bị đầu tư chu kỳ mới từ năm 2028. "Khi đó, chúng tôi sẽ có nguồn thu thêm từ gỗ cao su, giá thị trường hiện nay khoảng 250 triệu đồng/ha trong khi tái canh chỉ khoảng 65 triệu đồng/ha. Tất nhiên, chúng tôi không thanh lý gỗ đồng loạt mà thực hiện cuốn chiếu để bảo đảm hiệu quả về kinh tế cũng như giữ vững môi trường, không để đất trống" - ông Lâm bày tỏ.
Trong khi đó, Công ty Cao su Đồng Phú - Kratie là DN có nhà máy chế biến hoạt động hiệu quả bật nhất VRG, sản xuất được 12.000 - 13.000 tấn mủ cao su/năm, vượt công suất thiết kế ban đầu là 9.000 tấn/năm nhờ gia công thêm cho các đơn vị khác giúp hạ giá thành sản phẩm. Năm 2021, công ty đạt lợi nhuận 69,3 tỉ đồng, vượt 127% so với kế hoạch; năm 2022 lãi 53,26 tỉ đồng, vượt 4% kế hoạch được giao.
Tương tự, Công ty Vketi cũng có lãi từ năm 2021 trong khi dự tính còn lỗ theo kế hoạch. Năm 2022, công ty đã ghi nhận lãi hơn 5 tỉ đồng, vượt kế hoạch 13%.
Theo ông Trịnh Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Dầu Tiếng Kratie và Dầu Tiếng Campuchia (cùng ở tỉnh Kratie), 2 DN đều đã có lãi trong năm 2022, lần lượt là gần 12 tỉ đồng và 6,7 tỉ đồng.
Được nước sở tại ghi nhận
Tháng 5 vừa qua, tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Công ty CP Cao su Đồng Nai - Kratie, ông Yim Chhayly, Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia, đã ghi nhận nỗ lực cao của các DN Việt Nam đầu tư trong lĩnh vực cao su, trong đó có 16 công ty thuộc VRG.
Trước đó, Bộ Nông Lâm - Ngư nghiệp Campuchia đã đánh giá các dự án cao su của VRG đã và đang góp phần rất nhiều cho Campuchia về việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho gần 20.000 lao động địa phương. Đặc biệt, cây cao su đã góp phần tăng độ che phủ cho diện tích đất hoang hóa, cải thiện môi trường, góp phần tích cực trong công tác xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện bộ mặt nông thôn tại Campuchia.
Bình luận (0)