Đây là một trong những chủ trương quan trọng của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) nhằm thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: Phát triển kinh tế – Bảo vệ môi trường – Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
VRG hiện quản lý hơn 410.000 ha cao su ở trong và ngoài nước. Trong đó, diện tích cao su trong nước là gần 300.000 ha, hơn 87.000 ha tại Campuchia và gần 30.000 ha tại Lào. Mỗi năm VRG sản xuất bình quân 320.000 tấn cao su các loại.
Rừng cao su của VRG
Trong chiến lược, VRG đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể như: giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng ít nhất 15% vào năm 2030 và 30% vào năm 2050 so với năm 2023; xanh hóa chuỗi cung ứng với mục tiêu 60% diện tích cao su toàn tập đoàn và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC...) và 100% nhà máy chế biến mủ cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm. Đến năm 2050: toàn Tập đoàn có 100% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC...) và 100% nhà máy sản xuất (mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su,…) có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.
VRG cũng xanh hóa các quy trình sản xuất, với mục tiêu đến năm 2050: sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối tối thiểu từ 50% tổng nhu cầu; tiết kiệm năng lượng khoảng 20 – 30% so với tổng nhu cầu; giảm thiểu chất thải bằng giải pháp tiết kiệm/tái sử dụng tối thiểu 35% lượng nước sử dụng, tận dụng/tái chế tối thiểu 40% chất thải rắn và bùn thải, giảm thiểu 20% chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất.
VRG hướng đến xanh hóa quy trình sản xuất
Về định hướng thực hiện, VRG thực hiện các biện pháp ứng dụng kỹ thuật trong canh tác cao su theo hướng bền vững, giảm thiểu xói mòn đất, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong phòng trị bệnh hại vườn cây.
Tập đoàn cũng đa dạng cây trồng trên vùng trồng cao su tại những nơi có điều kiện, thực hiện phát triển rừng bao gồm nhiều hình thức: trồng xen trong rừng cao su hiện có, trồng xen trên rừng cao su tái canh, phát triển một số loại cây trồng khác để đảm bảo tính đa dạng sinh học và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ GIS để quản lý hiệu quả rừng cây cao su theo độ tuổi, năng suất…; đánh giá trữ lượng carbon của rừng cây cao su hướng tới thương mại hóa tín chỉ carbon,…
VRG cũng hỗ trợ cao su tiểu điền (nông hộ) công tác khoa học kỹ thuật, giống cao su hiệu quả cao, nâng cao năng suất, chất lượng mủ cao su, thu mua với giá tốt và thanh toán kịp thời và có thể truy xuất nguồn gốc.
Về nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, VRG tập trung vào các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tài chính, thu hút và kêu gọi vốn đầu tư, bảo hiểm xanh, tham gia thị trường các-bon hướng tới phát triển đồng bộ hệ thống thương mại khí thải theo cơ chế thị trường.
VRG ưu tiên nguồn lực đầu tư từ vốn sản xuất kinh doanh, các đơn vị cân đối và đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn cho các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về tăng trưởng xanh.
Bình luận (0)