xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đẩy mạnh liên kết lưới điện với Lào, Campuchia

Thuỳ Dương thực hiện

(NLĐO) - Hợp tác với các nước trong lĩnh vực điện năng không chỉ tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, mà còn giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã có trao đổi cụ thể về vấn đề hợp tác với các nước trong lĩnh vực điện năng.

Đẩy mạnh liên kết lưới điện với Lào, Campuchia - Ảnh 1.

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc EVN

- PV: Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường liên kết lưới điện với hai nước Lào và Campuchia. Ông có thể cho biết việc thực hiện chỉ đạo đã được tiến hành đến đâu?

+ Ông Ngô Sơn Hải: Việc liên kết lưới điện giữa Việt Nam với các nước trong khu vực đã được thực hiện từ giai đoạn 2001 – 2005, căn cứ Quy hoạch điện V được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, Việt Nam liên kết lưới điện với Lào thông qua 2 tuyến đường dây (ĐD) 220 KV để nhập khẩu điện từ các nhà máy thuỷ điện Lào (gồm Xekaman 1 công suất 290 MW và Xekaman 3 công suất 250 MW). Qua tuyến ĐD 220 KV Châu Đốc – Tà Keo, Việt Nam bán điện cho Campuchia với công suất cao nhất 200 MW.

Ngoài ra, Việt Nam còn bán điện cho 2 nước này ở cấp trung, hạ áp, phục vụ một số khu vực sát biên giới Việt Nam.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và EVN đã đẩy mạnh đàm phán với các nước trong khu vực, đặc biệt với Lào; tham mưu cho Chính phủ các nội dung liên quan đến liên kết trao đổi điện năng giữa các nước. Trên cơ sở đó, tháng 10-2016, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký Biên bản ghi nhớ về "Hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào, đấu nối hệ thống điện và mua bán điện".

- Thời gian tới, EVN có kế hoạch cụ thể như thế nào về tăng cường trao đổi điện năng với 2 quốc gia trên theo chỉ đạo của Chính phủ?

+ EVN đã cùng các bộ, ngành liên quan tiến hành đàm phán, trao đổi với các cơ quan, đối tác phía Lào và Campuchia về phương thức liên kết lưới điện. EVN đã thành lập Tổ công tác do lãnh đạo EVN làm tổ trưởng, làm việc với các công ty điện lực và chủ đầu tư các dự án nguồn điện tại Lào và Campuchia, nghiên cứu tính toán nhu cầu, các giải pháp kỹ thuật và thương mại trong liên kết lưới điện, báo cáo Bộ Công Thương, trình Chính phủ.

EVN đã tổ chức nhiều buổi làm việc với Tổng công ty Điện lực Lào (EDL) về khả năng và các phương án nhập khẩu điện từ Lào. Đồng thời, EVN cũng đã thuê tư vấn chuyên ngành nghiên cứu liên kết lưới điện và mua điện từ Lào. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư đang đề xuất xây dựng nhà máy điện tại Lào, sản xuất và bán điện trực tiếp sang Việt Nam, cũng như xây dựng ĐD truyền tải bên đất Lào để nhập khẩu điện từ Vân Nam (Trung Quốc) bán cho Việt Nam (khu vực phía Nam). Hiện, EVN đang tiến hành đàm phán với chủ đầu tư các dự án này.

Đối với Campuchia, EVN đã làm việc với Tổng công ty Điện lực Campuchia (EDC). Theo đó, EVN hỗ trợ EDC thực hiện các giải pháp kỹ thuật, đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện, vì hiện tại hệ thống điện Campuchia chưa đủ khả năng vận hành độc lập. Trong ngắn hạn, tiềm năng xuất khẩu điện từ Campuchia sang Việt Nam là không lớn; nên EVN hướng tới các kế hoạch dài hạn hơn. Thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục trao đổi, thảo luận về khả năng nhập khẩu điện từ Campuchia.

- EVN gặp những khó khăn, vướng mắc gì trong việc tăng cường liên kết điện năng với các quốc gia, thưa ông?

+ Việc liên kết lưới điện giữa Việt Nam với Lào, Campuchia và rộng hơn là liên kết lưới điện giữa các nước Đông Nam Á và tiểu vùng sông Mê Kông đã và sẽ gặp các khó khăn nhất định.

Về kỹ thuật, cần phải đảm bảo an toàn vận hành cho mỗi nước và an toàn chung cho lưới điện liên kết. Mỗi nước có các tiêu chuẩn, quy định vận hành riêng. Khi kết nối lưới điện sẽ tạo thành hệ thống lớn; đặt ra nhiều khó khăn và thách thức trong đảm bảo tính ổn định của toàn bộ hệ thống. Ngoài ra, các yếu tố về thương mại cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.

Thời gian tới, các bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cụ thể như tăng cường tham vấn, trao đổi các vấn đề kỹ thuật, thương mại; xây dựng các hệ thống quy trình chuẩn về phối hợp vận hành giữa các nước; duy trì hoạt động thường xuyên tổ công tác nghiên cứu liên kết lưới điện…

- Khi hợp tác với Lào và Campuchia trong lĩnh vực điện năng, ngành Điện Việt Nam có được những lợi ích gì, thưa ông?

+ Những lợi ích mang lại cho Việt Nam cũng như phía đối tác là rất lớn. Đó là tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác cùng phát triển giữa các nước.

Đối với ngành Điện Việt Nam, trong bối cảnh tạm dừng triển khai dự án Điện hạt nhân, một số dự án nguồn điện lớn có khả năng chậm tiến độ, việc liên kết lưới điện với các nước láng giềng sẽ giúp bổ sung nguồn năng lượng cho đất nước, đồng thời đa dạng hóa các nguồn điện, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn cung cấp điện của hệ thống, đặc biệt là khu vực miền Nam.

Trong thời gian tới, khi trữ lượng các nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than, khí hóa lỏng… Việc liên kết lưới điện với các nước trong khu vực sẽ giúp ngành điện giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn nhiên liệu sơ cấp. Một lợi ích khác không thể không nhắc đến, đó là lợi ích về kinh tế và tối ưu hóa hệ thống điện trong việc liên kết, trao đổi điện năng với các nước trong khu vực.

- Ngoài Lào và Campuchia, EVN có mở rộng trao đổi điện năng với các nước khác không, thưa ông?

+ Hiện tại EVN đang mua điện từ Trung Quốc qua các đường dây 220 KV tại Lào Cai và Hà Giang. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN đang nghiên cứu tăng khả năng nhập khẩu điện từ Trung Quốc qua các đường dây 220 KV hiện có, cũng như xem xét khả năng liên kết ở cấp điện áp 500 KV trong giai đoạn sau năm 2020.

Theo xu thế chung, cùng với sự phát triển ngành điện các nước khu vực, việc liên kết lưới điện không giới hạn chỉ với các nước láng giềng mà có thể nghiên cứu mở rộng đến các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông như Thái Lan, Myanmar hay Malaysia nếu hội đủ các điều kiện cho phép.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo