Sáng 30-3, Ban Kinh tế Trung ương và UBND TP HCM đã đồng tổ chức hội thảo "TP HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế" nhằm ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia để xây dựng TP HCM và vùng TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh cao, hướng đến mô hình kinh tế biển kết hợp đô thị biển.
Phát triển dựa vào biển
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho hay phát triển về hướng biển là mong muốn, ý chí của các thế hệ lãnh đạo và người dân TP nhiều năm qua. Do đó, xây dựng chiến lược để TP HCM có kinh tế biển, có chuỗi đô thị biển kết nối với quốc tế và khu vực trở thành yêu cầu cấp thiết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Trong đó, việc chuyển hóa không gian kinh tế biển Cần Giờ được thực hiện theo định hướng bảo tồn giá trị môi trường sinh thái nhân văn; phát huy hiệu quả, bền vững tiềm năng và động lực phát triển; liên kết vùng và kết nối lan tỏa các vùng kinh tế mới, sáng tạo…
"Mô hình phát triển trong tương lai của TP HCM cần đặt ra định hướng kết nối vùng một cách quyết liệt, đầy đủ hơn nữa để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế trong phần đất và biển của TP. Trong đó, vịnh Cần Giờ (huyện Cần Giờ) là cơ hội để tạo bước ngoặt, thay đổi phương thức, mô hình phát triển của TP HCM và vùng TP chuyển từ phát triển chủ yếu dựa vào đất đai sang phát triển dựa vào biển" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết ban đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng một đề án đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Bộ Chính trị ban hành trong năm 2021. Một nội dung trọng tâm của đề án là đề xuất những quan điểm, mô hình, mục tiêu và chính sách lớn trong phát triển đô thị và kinh tế đô thị Việt Nam giai đoạn nêu trên, trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển các đô thị ven biển, nhất là những đô thị đóng vai trò là cực tăng trưởng của cả nước như TP HCM.
"Nghị quyết 36 của Trung ương Đảng khóa XII xác định mục tiêu năm 2030, kinh tế biển góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành ven biển chiếm 65%-70% GDP cả nước" - ông Nguyễn Đức Hiển nói, đồng thời cho biết Ban Kinh tế Trung ương mong muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện mô hình và chính sách nhằm phát triển những đô thị ven biển trong nước nói chung và TP HCM nói riêng.
PGS-TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường - ĐHQG Hà Nội, chỉ rõ với lợi thế tiếp cận trực tiếp với biển tại vịnh Cần Giờ có diện tích 42.000 km2, định hướng chiến lược để TP HCM cất cánh, có kinh tế cảng biển và chuỗi đô thị biển phát triển mạnh mẽ, kết nối quốc tế và khu vực đã trở thành nhu cầu tất yếu và cấp thiết. Chuỗi đô thị này có ý nghĩa tạo "mặt tiền" biển để TP HCM chủ động đón nhận những cơ hội phát triển kinh tế biển với giá trị gia tăng cao và giao dịch hàng hải quốc tế; TP HCM trở thành TP "cửa ngõ", kết nối mạnh hơn nữa với khu vực và quốc tế.
Các diễn giả phát biểu tại hội thảo sáng 30-3. Ảnh: TẤN THẠNH
Đòi hỏi bảo vệ môi trường
Chuyên gia quy hoạch - kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh đánh giá ở tầm nhìn dài hạn, sự phát triển của TP HCM và vùng TP HCM mới ở giai đoạn khởi đầu, chưa chạm tới thời kỳ trưởng thành của một vùng đô thị có tầm vóc quốc gia, quốc tế. Bởi vậy, cần có những hoài bão xa hơn, những hoạch định lớn hơn để hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu.
"Để tiến ra biển, một trong những nét chính là cần tiếp cận gần hơn nữa với hành lang hàng hải quốc tế, thay vì chỉ là một TP lùi sâu phía sau huyện Cần Giờ. Thông qua mô hình liên kết chùm đô thị biển sẽ tạo ra bước ngoặt lớn để hoàn thiện mô hình phát triển vùng đô thị. Hoài bão về một "mặt tiền biển mới" cho vùng kinh tế phía Nam, hướng trực tiếp ra con đường hàng hải quốc tế, đòi hỏi phải "nhảy cóc" qua một cản trở tự nhiên lớn là khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, với những thách thức về hài hòa giữa mục tiêu phát triển với bảo tồn tự nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu" - kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh nêu quan điểm.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, có 2 luồng ý kiến trái chiều xung quanh định hướng tiến về phía biển Cần Giờ của TP HCM. Một ý kiến cho rằng đây là định hướng tốt, tạo ra một khu đô thị được coi như là giao diện của TP phía biển và là động lực phát triển. Một luồng ý kiến cho rằng sẽ làm hỏng hệ sinh thái biển, ảnh hưởng tính bền vững của môi trường.
"Không thể chỉ bảo đảm bền vững môi trường mà không phát triển, còn nếu phát triển mà không bảo đảm bền vững môi trường thì phải xem xét lại. Tôi ủng hộ chiến lược lấy biển Cần Giờ như là một điểm để khai thác hiệu quả kinh tế biển, song cần phải có luận cứ rõ ràng và chắc chắn để không ảnh hưởng đến phát triển bền vững" - GS Đặng Hùng Võ lưu ý.
Ông Đặng Hùng Võ cũng cho rằng TP HCM khi tiếp cận theo hướng ra biển cần đặt vấn đề liên kết vùng sao cho hiệu quả. Theo đó, hình thành một hệ sinh thái biển cộng sinh, nương nhờ nhau để hoạt động, đồng thời dựa vào nguyên tắc kinh tế tuần hoàn để tạo hiệu suất sử dụng các nguồn lực cao nhất và rác thải ở mức tối thiểu.
Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan khẳng định TP sẽ phát triển kinh tế nhưng phải bảo đảm không gây ra tác động đối với môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. "Mọi hoạt động trong quá trình vận hành và phát triển kinh tế biển cũng như quản lý đô thị biển phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về quản lý và bảo vệ môi trường. Các khâu trong quá trình triển khai các dự án đầu tư đối với kinh tế biển và đô thị biển đều phải được thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường" - ông nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, Cần Giờ có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều huyện khác trong việc phát triển lên địa phương cấp quận, TP; đặc biệt là đạt những tiêu chuẩn về khu đô thị du lịch và sinh thái với khả năng thu hút nhà đầu tư.
Trước mắt, từ kết quả của hội thảo này, TP HCM sẽ chủ động nghiên cứu, tiếp thu và đưa nội dung phát triển kinh tế biển vào quy hoạch chung của TP, làm cơ sở triển khai thực hiện.
Bình luận (0)