“VN là một đất nước đang trên đà phát triển nhưng thực tế nhắc đến VN, rất nhiều người trên thế giới vẫn chưa biết là Tập đoàn Intel xây dựng nhà máy tại đây thay vì ở Trung Quốc; hay tại sao Honda, Yamaha... đã không ngần ngại đổ vốn đầu tư vào đất nước các bạn. Vì vậy cần phải đẩy mạnh marketing để VN gần hơn với thế giới”. Đó là thông điệp mà ông Philip Kotler, “ông tổ của marketing hiện đại” đã chia sẻ với 700 doanh nhân trong nước và khu vực Đông Nam Á tại hội thảo “Marketing mới cho thời đại mới” do Tổ chức Giáo dục PACE tổ chức ngày 17-8 tại TPHCM.
Tiếp thị quốc gia song hành với tiếp thị sản phẩm
“Tất cả chúng ta khi mua một sản phẩm điện máy đều muốn sản phẩm đó là “made in Japan”. Mặc dù doanh nghiệp (DN) Nhật Bản không phải là người phát minh ra sản phẩm nhưng lại là người làm ra các sản phẩm đó với chất lượng tốt hơn”. Ông Philip Kotler đưa ra ví dụ để đánh giá tầm quan trọng trong việc thực hiện “tiếp thị quốc gia”.
Hiện nay, “made in Vietnam” trong mắt người tiêu dùng quốc tế vẫn chỉ là “chất lượng trung bình, sản phẩm trung bình”. Vì vậy, Chính phủ và các DN phải xây dựng “made in Vietnam” vươn lên như một thương hiệu nổi tiếng gắn liền với “chất lượng tốt, sản phẩm tốt”. Cần phải nhận định “tiếp thị quốc gia” và “tiếp thị sản phẩm” là hai công việc song hành và bổ sung cho nhau. Nếu việc này được thực hiện tốt, VN sẽ có sản phẩm gắn liền với hình ảnh đất nước như nhắc đến Thụy Sĩ, người ta nhớ ngay đến đồng hồ Rolex, sô-cô-la.
Một thông tin thú vị từ ông Philip Kotler: Ấn Độ được công nhận là “văn phòng của thế giới” vì là nơi sản xuất công nghệ phần mềm; Trung Quốc được mệnh danh là “nhà máy của thế giới” vì là trung tâm sản xuất quần áo, đồ chơi lớn nhất thế giới. Vì vậy, điều quan trọng là phải biết tiếp thị hình ảnh quốc gia.
Phải thành công ở thị trường trong nước
Giải đáp câu hỏi của rất nhiều DN: Làm thế nào để các DN trong nước cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế khi gia nhập WTO? Ông Philip Kotler khẳng định: Không ai hiểu người tiêu dùng VN bằng chính các DN trong nước. Thực tế đã chứng minh không phải thương hiệu nổi tiếng nào cũng thành công khi đầu tư vào nước khác. Nếu biết phân khúc thị trường và hiểu biết về khách hàng của mình thì các DN VN vẫn làm chủ thị trường trong nước như Vinamilk, Sabeco, Vissan... là một ví dụ. Vì vậy, cạnh tranh không phải là điều đáng lo.
Ông Philip Kotler lưu ý các DN VN: Muốn đạt thương hiệu đẳng cấp khu vực, đẳng cấp quốc tế, đầu tiên phải là thương hiệu đẳng cấp quốc gia. Không có một DN nào có thể vươn ra thế giới khi chưa thành công tại đất nước của mình. Sau đó, tiếp thị thương hiệu tại các nước ASEAN, rồi đến châu Á chứ đừng mơ tưởng một bước là tiếp cận ngay thị trường châu Âu và châu Mỹ. Thực hiện được như vậy là DN VN đã rất thành công, chưa cần trở thành thương hiệu toàn cầu vì cho đến nay chỉ mới có khoảng 10 công ty trên thế giới vươn tới đẳng cấp này.
Ba khái niệm dẫn đến sự thành công của một DN là “ý tưởng – kinh phí – người tài”. Thiếu một trong ba yếu tố, DN sẽ khó gặt hái thành công. Thực tế tại VN, rất ít DN hội đủ 3 yếu tố này; vì vậy cần phải cấp bách thực hiện và phải hiểu DN chính là “lò ấp” cho những ý tưởng sáng tạo trở thành hiện thực.
ÔNG PHẠM TRỌNG BẢO CHÂU, GIÁM ĐỐC TIẾP THỊ - CÔNG TY PEPSICO VN: VN là “nhà bếp của thế giới”? Tôi ấn tượng với thông điệp mà ông Philip Kotler gợi mở: VN có thể trở thành “nhà bếp của thế giới”. Tại sao lại không mơ ước, không hy vọng nhỉ? VN có những thuận lợi về nguyên liệu thực phẩm, hương vị đa dạng... Nếu các DN VN trong ngành thực phẩm lưu tâm hơn nữa những vấn đề liên quan đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thì trong một tương lai không xa VN có thể trở thành “nhà bếp của thế giới”, tại sao không? |
Bình luận (0)